Nỗi niềm xa xứ

Thủy

Thủy

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

“CHỮ TÀI, CHỮ MỆNH” TRONG TRUYỆN KIỀU

(Tiếp theo)
“CHỮ TÀI, CHỮ MỆNH” TRONG TRUYỆN KIỀU
                                                                                                         (Nguyễn Du)
“Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”
(Câu 1- câu 4).
Các bạn quý mến! Tài là khả năng dồi dào về một phương diện như: khoa học, văn chương, nghệ thuật...Người có tài là người vượt hơn nhiều người khác trong một hay nhiều lãnh vực nào đó. Có câu: “có tài thì có tật”. Tật có thể là tật bệnh mà tật bênh có hai phương diện: thể xác hoặc tinh thần. Tật bệnh tinh thần có thể là do xao xuyến, sợ hãi, lo lắng, bối rối thường xuyên...
Chữ Tài, giống như chữ Mộc, nhưng mất đi một cái rễ. Mộc là cái cây. Cây mà mất đi một cái rễ lớn thì đứng không vững, dễ bị nghiêng lệch, gặp giông bão sẽ bị xô ngả. Người có tài cũng tương tự như vậy. Người có tài vì có tật nên không bình thường, dễ bị nghiêng ngả, trước sóng gió cuộc đời.
Thúy Kiều là người có đủ tài sắc, “cầm, kỳ, thi, họa” . so với em là Thúy Vân, Kiều hơn hẳn. Nguyễn Du tả:
“Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười, ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường mầu da.
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.
Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.
Cung, thương, làu bậc ngũ Âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”.
(Câu 19- câu 34).
Thúy Kiều tài như vậy, cho nên chữ Tài gây nên nghiệp và kết quả của nghiệp là Mệnh. Mệnh ở đây là số phận mà Thúy Kiều phải lãnh nhận. Nguyễn Du đồng quan điểm với cổ nhân xưa cho rằng “Tài Mệnh tương đố”: Tài và Mệnh đố kỵ lẫn nhau. Tài cao thì mệnh kém. Tại sao vậy? Có phải Trời ghen với người tài mà bắt người ấy phải chịu số mệnh khổ sở hẩm hiu chăng? Thiết nghĩ, đó chỉ là quan niệm bình dân thôi. Khi Nguyễn Du viết: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” cũng là nói theo quan niệm bình dân. Ở đây, chúng ta phải tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Thông thường, người có tài thường ỷ vào cái tài của mình mà không khiêm hạ, không biết tự che giấu đi; trái lại, còn phô diễn cái tài của mình một cách vô tình hay hữu ý. Tài được phô diễn ra sẽ khiến cho nhiều người ghen tương và tìm cách triệt hạ, đánh ngả; hoặc muốn cho nhiều người muốn chiếm đoạt. Như vậy, là tự rước lấy gian nan, tai họa rước vào thân rồi. vì thế, Nguyễn Du mới nói trong đoạn kết:
“Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng Trách lẫn, Trời gần trời xa”
(Câu 3247 – câu 3250).
Như thế, cái Nghiệp do cái Tài của mình gây ra thì chính mình phải nhận lấy nghiệp quả; không thể oán trách Trời đã khiến mình phải khổ sở, hẩm hiu.
Ta có thể dặt câu hỏi, tại sao Nguyễn Du lại dùng miệng thầy tướng đoán mệnh cho Thúy Kiều rằng:
“Anh hoa phát tiết ra ngoài,
Nghìn thu bạc mệnh, một đời tài hoa”.
Điều đó có phải Nguyễn Du chủ trương Trời định chăng?
Để hiểu câu này chúng ta thấy Người Trung Hoa xưa cho rằng: cái phần anh hoa của con người cần phải được thu giữ ở bên trong. Nếu anh hoa phát tiết ra ngoài một cách tự nhiên hay cố tình phát ra, đó là một điều rất tai hại. Anh hoa phát tiết tự nhiên đã không hay rồi; huống gì là mình cố tình phát lộ ra, thì càng nguy hiểm hơn nữa.

Vậy anh hoa là gì? Anh hoa là cái đẹp của nhan sắc. Vẻ đẹp của của một bông hoa đã khiến cho lũ ong, lũ bướm kéo tới hút nhựa phá nhụy rồi, huống chi vẽ đẹp sắc sảo của một Kiều nữ dễ khiến cho người ta chiếm đoạt. Vì anh hoa phát tiết ra nên mới bạc mệnh, nghĩa là gặp số hẩm hiu.
Như vậy, anh hoa phát tiết không phải do Trời định đoạt mà vẫn do con người định. Cái tài của Thúy Kiều một phần do anh hoa phát tiết, một phần do nàng phát huy, trau dồi; vì thế mà mắc phải số mệnh hẩm hiu (bạc mệnh). Giả như, nàng chẳng có tài hoa, có muốn bán mình chuộc cha thì cũng chẳng ma nào mua!
Xét về số mệnh Thúy Kiều, Tam Hợp đạo cô, một nữ tu sĩ đạo Lãnh đã nói như sau:
“Sư rằng: phúc họa đạo trời,
Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.
Có trời mà cũng có ta,
Tu là cõi phúc, tình là dây oan.
Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan,
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành;
Lại mang lấy một chữ tình,
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.
Vậy nên những chốn thong dong,
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng.
Ma đưa lối, quỷ dẫn đường,
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”
(Câu 2655 - 2666).
Tam Hợp đạo cô cho rằng đạo Trời vừa có phúc lại vừa có họa; hoặc nói khác đi, trong phúc có họa, trong họa có phúc.Vd: Trời nắng có lợi cho người này, nhưng lại có hại cho người kia...hay trong âm có dương, trong dương có âm, đắp đổi cuộc đời. Vì thế, Trời đặt cỗi nguồn của họa phúc ở trong lòng người. Đó là lý do mà Tam Hợp cô đạo nói: “cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra” Tiếp “Có Trời mà cũng tại ta”, nghĩa là có đạo Trời nhưng cũng có ta tự do vận dụng đạo Trời mà chiêu phúc lánh họa thì phải tu đức, đừng quá lệ thuộc vào chữ Tình; bởi vì trong Tình có bao hàm phúc họa. Quá nặng tình thì sẽ gặp họa nhiều.
Chính chữ Tình đã trở nên ma lực đưa đẩy Thúy Kiều vào tâm trạng xao xuyến vẫn vơ, vừa thương xót Đạm Tiên, vừa mơ tưởng Kim Trọng:
“Người mà đến thế thì thôi,
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi.
Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không”?
(Câu 179 – câu 182).
Với tâm trạng khắc khoải xao xuyến, Thúy Kiều vừa thổn thức vừa vấn vương trong mối tình chớm nở, vừa hoảng hốt sợ hãi trong giấc mộng gặp Đạm Tiên hứa hẹn một tương lai tối tăm đoạn trường.
Để nói lên điều này Nguyễn Du dùng lời Tam Hợp đạo cô nói:
“Lại mang lấy một chữ tình,
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.
Vậy nên những chốn thong dong,
Ơ không yên ổn, ngồi không vững vàng.
Ma đưa lối, quỉ dẫn đường,
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”
(Câu 2661 – câu 2666).
Lẽ ra khi biết phận mình đã ở trong trường hợp “anh hoa phát tiết” thì phải biết cải nghiệp bằng cách nỗ lực tu đức, thu nhặt anh hoa, mới có thể giải trừ được tai họa. Nhưng đáng tiếc thay, Thúy Kiều lại không biết “cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra”; cho nên cứ làm lớn chữ Tình ra. Chính vì chữ Tình “nặng tình” và “đa tình” mà Thúy Kiều đã bước vào những bước luân lạc, bạc mệnh.
Trong tiết thanh minh đi chơi xuân, Thúy Kiều nặng tình với Đạm Tiên, đa tình với Kim Trọng. Sau này, trong cơn gia biến, cũng vì nặng tình với cha mình, nàng lại tình nguyện bán mình. Thế là bọn ma quỉ Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, rồi sau đó tới Bạc Bà, Bạc Hạnh đã đẩy đưa Thúy Kiều sa vào con đường bạc mệnh đầy khốn khổ, bi thương, ô nhục.
Vậy, có phải Thúy Kiều nặng tình với cha, với em mà vội vàng dùng biện pháp bán mình như vậy không?
Tuy nhiên vẫn còn lời Tam Hợp cô đạo nhận định:
“Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều,
Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm,
Lấy tình thâm trả nghĩa thâm,
Bán mình đã động hiếu tâm đến Trời”!
(Câu 2681- câu 2684).
Thúy Kiều mắc nghiệp đa tình. Cái nghiệp đó đã đưa đẩy Thúy Kiều 15 năm lưu lạc;  nhưng nàng không mắc điều tà dâm; cho nên nàng chỉ phải gian truân đến ngoài 30 tuổi; sau khi nghiệp tình chấm dứt, nàng lại được thảnh thơi trong nữa đời con lại.
Như vậy gian truân của nàng Kiều không phải do Trời áp đặt vô cớ; đó chỉ là “nghiệp quả” của cái “nhân tình”. Cuối cùng “nhân tình nghiệp quả” của Thúy Kiều đã được rủ sạch sau biến cố ở sông Tiền Đường. Nàng đã tỉnh ngộ, hồn ma Đạm Tiên cũng đã biến mất trong đầu nàng, mọi ray rứt cũng tan biến...và Giác Duyên là mối cơ duyên cho Thúy Kiều được thanh thản:
“Trong thuyền nào thấy Đạm Tiên,
Bên mình chỉ thấy Giác Duyên ngồi kề.
Thấy nhau mừng rỡ trăm bề,
Dọn thuyền mới rước nàng về thảo lư.
Một nhà chung chạ sớm trưa,
Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng.
Bốn bề bát ngát mênh mông,
Triều dâng hôm sớm mây lồng trước sau”.
(Câu 2729 – câu 2736).
Đông phương quan niệm tâm và cảnh luôn bám sát theo nhau. Tâm buồn thì cảnh buồn; tâm vui thì cảnh vui; tâm sợ hãi thì cảnh có dáng vẽ đáng sợ. Khi tâm Thúy Kiều đau buồn thì trăng, mây, nước, cây, cỏ...trong thiên nhiên trở nên nỗi ám ảnh đáng sợ. Khi Thúy Kiều sắp theo Mã Giám Sinh thì:
“Trời hôm, mây kéo tối rầm,
Dàu dàu ngọn cỏ, đầm đầm cành sương”.
(Câu 783 - 784).

Khi Thúy Kiều từ giã gia đình lên xe với Mã Giám Sinh thì:
“Đùng đùng gió giục mây vần,
Một xe trong cõi hồng trần như bay.
Trông vời gạt lệ chia tay,
Góc trời thăm thẳm đêm ngày đăm đăm.
Nàng thì dặm khách xa xăm,
Bạc phau cầu giá đem rầm ngàn mây.
Vi lô san sát hơi may,
Một trời thu để riêng ai một người.
Dặm khuya ngất tạnh mù khơi,
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông”.
(Câu 907 – câu 916).
Khi Thúy Kiều lén lút, hoang mang theo Sở Khanh rời lầu Ngưng Bích đi trốn thì:
“Đêm thâu khắc lậu canh tàn,
Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương.
Lối mòn cỏ nhợt mà sương,
Lòng quê đi một bước đường, một đau”.
(Câu 1119 - 1122).
Khi Thúy Kiều lìa Quan Âm các nhà Hoạn Thư bỏ chạy thì:
“Cất mình qua ngọn tường hoa,
Lần đường theo bóng trăng tà về tây.
Mịt mù dặm cát đồi cây,
Tiếng gà điểm nguyệt dấu giày cầu sương”.
(Câu 2027 – câu 2030).
Khi Thúy Kiều chuẩn bị trầm mình thì:
“Mảnh trăng đã gác non đoài,
Một mình luống những đứng ngồi chưa xong.
Triều đâu nổi tiếng đùng đùng,
Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường”.
(Câu 2617 – câu 2620).
Sau khi chết hụt ở sông Tiền Đường, Thúy Kiều giác ngộ và được giải thoát khỏi quá khứ tình lụy thì tâm nàng trở nên trong sáng. Tâm trong sáng thì thiên nhiên, trời, trăng, mây, gió, cũng trong sáng theo không còn đáng sợ nữa.
Thúy Kiều giờ đây cùng với Giác Duyên tu với nhau:
“Một nhà chung chạ sớm trưa.
Gió trăng mát mặt, muối dưa chay lòng.
Bốn bề bát ngát mênh mông,
Triều dâng hôm sớm, mây lồng trước sau”.
Phật Giáo cho rằng đầu mối đau khổ ở tại tâm con người. khi tâm bị vướng vào Ái dục thì Chân tâm biến thành Vọng tâm (tâm sai lệch). Từ đây Vô minh khởi lên. Vô minh nổi lên thì tham, sân, si... theo đó mà bám vào tâm con người. Thúy Kiều vốn mang nghiệp đa tình cho nên ngay từ đầu, vô minh đã chi phối tâm thức của nàng, khiến cho nàng không còn được ngây thơ trong trắng như Thúy Vân. Chính cái tâm thức đầy tình lụy đó đã khiến nàng soạn bản nhạc đầu tay có tên “bạc mệnh”:
“Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”.
(Câu 33 – câu 34).
Bản đàn “bạc mệnh” đó với những âm thanh, tiết tấu và những biến tấu của nó đã khiến cho Kim Trọng phải đau lòng đứt ruột:
“Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.
Khi tựa gối khi cúi đầu,
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày”.
(Câu 485 – câu 488).
Thế rồi, tại nhà Hoạn Thư, khúc đàn bạc mệnh đó đã được bật lên cung điệu than khóc nức nỡ:
“Bốn dây như khóc như than,
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng”.
(Câu 1853 – câu 1854).
Sau này cũng khác đoạn trường đó, Thúy Kiều đã gẩy cho Tổng đốc Hồ Tôn Hiến nghe:
“Một cung gió thảm mưa sầu,
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay!
Ve ngâm vượn hót nào tày,
Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.
Hỏi rằng: Này khúc ở đâu?
Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay!
Thưa rằng: Bạc mệnh khúc này,
Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ.
Cung cầm lựa những ngày xưa,
Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây”!
(Câu 2569 – câu 2578).
Cuộc đời đau khổ bi đát do nghiệp tình dẫn lối đến lúc tận cùng. Đau khổ cùng cực cùng với sóng nước sông Tiền Đường đã làm Kiều tỉnh ngộ giải thoát nàng ra khỏi lưới tình. Thế nên, khi tái hợp với Kim Trọng, tiếng đàn đổi khác:
 “Phím đàn dìu dặt tay tiên,
Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa.
Khúc đâu đầm ấm dương hòa,
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh.
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên?
Trong sao châu nhỏ duềnh quyên,
Ấm sao hạt ngọc Lam điền mới đông!
Lọt tai nghe suốt năm cung,
Tiếng nào là chẵng não nùng xôn xao.
Chàng rằng: Phổ ấy tay nào,
Xưa sao sầu thẳm nay sao vui vầy?
Tẻ vui bởi tại lòng này,
Hay là khổ tận đến ngày cam lai”?
(Câu 3197 - 3210).
Lần đánh đàn này tuy có vài cung điệu não nùng chẳng qua chỉ là đôi chút dư âm về giai đoạn đau khổ ngày trước; còn lại bản đàn là một bản nhạc vui, đầy ấm áp.
Tại sao vậy? Thiết nghĩ, Thúy Kiều đã giác ngộ, đã chấm dứt phiền não, nghiệp đa tình đã mất. Giờ đây, tâm hồn của nàng chỉ còn là trong trắng, thanh tao hòa với thiên nhiên tươi đẹp “gió trăng mát mặt”...đến cả mối tình xưa với chàng Kim cũng không động nữa. Kiều đã chuyển duyên cầm sắt (hôn nhân) sang cầm kỳ (tình bạn).
“Khi chén rượu khi cuộc cờ,
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên.
Ba sinh đã phỉ mười nguyền,
Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”.
(Câu 3223 – câu 3226).

Tóm lại, cái nghiệp phong trần không do Trời định sẵn như thuyết định mệnh đã chủ trương. Cái nghiệp ấy do chính con người tạo ra, cho dù có nghiệp quá khứ, hay hiện tại thì con người có thể chỉnh sửa được, tùy vào nhanh hay chậm.
Nói như thế cũng có nghĩa là con người có quyền định đoạt số phận của mình, có thể cầu phúc lánh họa nếu hiểu ra Trời đặt cội nguồn phúc họa ở trong tâm con người.
 Thì người ta có thể phát triển “thiện căn” để chuyển Nghiệp từ xấu sang tốt.


Qua những gì đã trình bày trên, mình chúc tất cả các bạn đang sống trong tất cả nọi biến cố buồn vui của cuộc sống, đều có thể học được những bài học quý giá như từ cuộc sống như: bài học về tu đức, nhân bản, phẩm giá, cách cư xử giữa người với người.... đó là điều mình chúc cho các ban.

Chúc các bạn luôn an vui, hạnh phúc.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét