DẪN NHẬP
Khi nói về Gióp đây là một áng văn chương kiệt tác trong phong trào khôn ngoan Cận Đông, dưới hình thức đối thoại, bàn về sự báo oán, quan niệm thưởng phạt. Sách Gióp không phải là một khảo luận lý thuyết về khổ đau của người vô tội, nhưng kể lại kinh nghiệm đau thương của một người không có lỗi gì mà phải hứng chịu mọi khổ đau thân xác và tinh thần. Khuôn mặt quái ác của sự dữ và khổ đau đổ ập trên cuộc đời khiến các liên hệ của Gióp đối với Thiên Chúa, đối với bạn bè thân thuộc bị khủng hoảng. Phải chăng là bạn bè của Gióp đã giam hãm Thiên Chúa trong sự xơ cứng của công bình giao hoán. Như vậy “người như Gióp vô tội phải chịu đau khổ” không còn ý nghĩa gì nữa. Vì con người bóp méo, nặn ra Thiên Chúa. Con người mà đau khổ như Gióp là ý tưởng xuyên suốt của sách Gióp.
BỐI ẢNH BẢN VĂN
Sau diễn từ dài của Đức Chúa qua việc Người ngắt lời ông EElihu để giải thích cho Gióp, đúng hơn Thiên Chúa không trả lời mà chỉ nói; con người không xét đoán việc Người quan phòng, con người không hiểu được ý nhiệm mầu của Người. Quyền năng và sự thông biết của Thiên Chúa hiển hiện trong linh tính các sinh vật cũng như trong những kỳ công của thiên nhiên. Vậy, con người không còn gì hơn là chấp nhận những lý đoán của Thiên Chúa và phó thác mình cho việc Người quan phòng, (G 38,1-42,6) thì Thiên Chúa lên tiếng qua hai diễn từ dài và đẩy Gióp vào thế im lặng, cuối cùng ông nhìn nhận rằng trước kia ông chỉ biết Thiên Chúa nhờ người ta nói lại, nhưng bây giờ chính mắt ông chứng kiến. Vì thế, “điều đã nói ra con xin rút lại, trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (42,6), và Gióp đã trở thành một con người khác bằng một sự thay đổi sâu xa xuyên qua những kinh nghiệm đời sống, và cuối cùng cơ nghiệp của ông được phục hồi ông sống hạnh phúc mãi mãi (42,7-17).
CẤU TRÚC
Bản văn G 42,7-17 có thể chia ra làm hai phần[1]:
Phần một (7-9): Yavê quở mắng ba nhà khôn ngoan.
C. 7-8: Thiên Chúa nạt nộ ba nhà khôn ngoan.
C. 9: Thi hành lời Thiên Chúa phán.
Phần hai (10-17): Gióp được khôi phục.
C. 10: Gióp chuyển cầu cho các bạn, Gióp được khôi phục lại tình trạng ban đầu, Thiên Chúa thưởng cho Gióp bằng cách tang gấp đôi những gì ông có thuở ban đầu.
C. 11: Các bạn đến chia sẻ nỗi buồn của ông và tặng quà.
C. 12-13: Thiên Chúa chúc lành cho tình trạng giàu có mới của Gióp, giới thiệu Gióp có gì.
C. 14-15: Miêu tả sự đẹp đẽ của các người con.
C. 16-17: Tuổi thọ của ông Gióp.
PHÂN TÍCH
Đấng toàn năng bắt đầu phản đối các bạn của Gióp, cơn thịnh nộ của Ngài nổi lên lửa chống lại họ: “Các ngươi đã không nói đúng đắn về Ta như Gióp, tôi tớ của Ta” (G 42,7). Lời phủ nhận thần học truyền thống ắt sẽ kéo theo những hậu quả không lường được mà hết tất cả những hậu quả đó chưa được nhận thấy ngày nay. Vậy chúng ta tham dự vào chính tình thế lật ngược không ngờ ở cuối màn kịch. Gióp được phục hồi danh dự, trước khi là con người hạnh phúc. Thiên Chúa chỉ hạ thấp con người để ca ngợi con người. Thánh Phêrô đã viết: “Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định” (2Pr 5,6-7). Vì vậy, Gióp đã không lầm khi ông chất vấn Thiên Chúa cách nghiêm khắc nhân danh sự vô tội, nhưng chính Thiên Chúa nói và làm sự công chính này. Kẻ khốn khổ kêu thấu tới trời, vì vậy mà được Thiên Chúa nhận ra như một người đối thoại có giá. Sự nhục nhã tức thời của Gióp hoàn toàn là điều trái của sự hư hại. Sự nhục nhã đó thật là khúc dạo đầu của lời ca ngợi[2].
Với việc đối thoại và phán quyết về các bạn của Gióp (42,7-9), chúng ta có thể nhận ra dung nhan đích thực của Thiên Chúa: các bạn hữu của Gióp đã nói rất nhiều về Thiên Chúa, và nhân danh sự công chính của Thiên Chúa mà lên án ông. Họ tưởng rằng Gióp được giàu có lại là vì ông đã ăn năn, và như thế Thiên Chúa đứng về phía họ. Nhưng đó Thiên Chúa biết được ý định của họ và Người đã lên tiếng thẳng thắn tuyên bố là họ đã nói sai về Người “các người đã nói không ngay thẳng về Ta như Gióp tôi tớ Ta”, Gióp đã nói ngay thẳng về Thiên Chúa. Ở đây ta có thể hiểu “ngay thẳng” theo hai nghĩa: Gióp đã nói “cách ngay thẳng”, và Gióp đã nói những “điều ngay thẳng”. Gióp đã nói cách ngay thẳng vì ông đã nói thật với con người của mình, ông không ngần ngại nói lên nỗi đau của mình, cả những nỗi hoài nghi và hoang mang của mình. Gióp cũng đã nói “những điều ngay thẳng” về Thiên Chúa. Các bạn hữu của ông Gióp nghĩ rằng họ biết về Thiên Chúa nhưng thực ra họ đã đóng khung Thiên Chúa trong khuôn khổ chật hẹp của sự xơ cứng, của những khái niệm và lý luận chật hẹp của con người, theo kiểu công bình giao hoán của người đời. Gióp được xưng là tôi tớ đã nói “ngay thẳng” về Thiên Chúa không những trong hai lần lên tiếng ở lời mở đầu và trong cuộc hiễn linh, mà trong ngay cả cuộc tranh cãi với ba nhà thông thái kia nữa. Cuộc hòa giải của họ, theo như Đức Chúa muốn sẽ kéo them hai điều kiện: lễ toàn thiêu với bảy lễ vật gấp đôi lên. Trong sách dân số hoặc Êdekiel cũng nói đến con số bảy: “xin Ngài xây cho tôi ở đây bảy tế đàn và don lên cho tôi ở đây bảy cặp ngưu dương” (Ds 23,1.29), hoặc suốt bảy ngày của đại lễ, ông sẽ dâng bảy con bò tơ và bảy cừu đực hoàn hảo làm thượng tiến cho Yavê, mỗi ngày trong suốt bảy ngày…” (Ed 45,23). Và lời chuyển cầu của ông Gióp để của lễ họ dâng được Thiên Chúa chấp nhận. Ở đây bản văn nhấn mạnh đến tính cách mỉa mai của hoàn cảnh; các bạn đã tố cáo ông lòng chai dạ đá: “Anh đã đòi anh em…lột áo cả những kẻ ”trần truồng, kẻ khát không cho uống nước, và từ chối với cả những người đói bánh ăn, trao đất cho kẻ mạnh tay, và người được sủng ái chiếm ngụ, đuổi kẻ góa phụ trở về tay không, và nghiền nát cánh tay kẻ côi cút” (G 22,6-9) thì đây ông lại chuyển cầu cho họ. Như thế ông Gióp người tôi tớ, cũng đóng vai chuyển cầu như ông Abraham: “Vậy bây giờ ngươi hãy trả lại vợ người ấy: người là tiên tri! Người sẽ chuyển cầu cho ngươi và ngươi được sống. Nhược bằng ngươi không trả lại; thì hãy biết rằng: thế nào ngươi cũng phải chết, ngươi và mọi người nhà ngươi” (St 20,7); Gióp cũng đóng vai như ông Môsê chuyển cầu cho muôn dân: “Yavê đã phẫn nộ với Aharon quá sức, đến muốn tru diệt ông ấy đi, và thuở ấy ta đã phải nài xin cho cả Ahoron nữa” (Đnl 9,20). Gióp còn đóng vai như Samuen: “hãy triệu tập lại toàn thể Itrael ở Mispa, và ta sẽ khẩn cầu Yavê cho các ngươi” (1Sm 7,5); và nhất là như ông Giêrêmia: “Phần ngươi, đừng chuyển cầu cho dân ấy, đừng dâng lên lời kêu van khẩn nguyện cho chúng; đừng nài nẵng Ta, vì Ta không nghe ngươi đâu” (Gr 7,16) ở đây từ “chuyển cầu” là điểm đặc biệt của ngôn sứ Giêrêmia.
Qua việc đối thoại và phán quyết về các bạn của Gióp, Thiên Chúa phục hồi cho ông Gióp[3]. Câu 10-17: Chúng ta thấy hoàn cảnh của ông Gióp xoay chiều không phải chỉ vì ông tuyên xưng đức tin sau khi nghe Thiên Chúa phán, nhưng còn vì ông đã chuyễn cầu cho những kẻ lăng nhục ông “đang khi ông chuyễn cầu cho các bạn hữu của mình, và Yavê đã tang gấp đôi những gì Gióp có”. (c.10) đó là việc làm của người công chính. Sau đó là cuộc viếng thăm của các anh em, chị em trong hoàn cảnh được phục hồi (c.11), họ ăm bánh trong nhà ông, họ chia buồn và an ủi ông, họ tặng cho ông đồng tiền bạc, nhẫn vàng, thành ngữ “ăn bánh” đưa về phong tục tang chế. Hay như trong sách tiên tri Giêrêmia cũng nói về bánh mà được đưa về phong tục tang chế: “không người bẻ bánh cho người cư tang, để phân ưu với nó về người chết” (Gr 16,7a). Ăn bánh theo phong tục tang chế như vậy để nói lên với Gióp rằng, cuộc đời ông đã chấm dứt những đau khổ, và từ đây bắt đầu Gióp được sống một cuộc đời mới bằng chứng là được gấp đôi về gia đình, tài ản, chiên, bò, lạc đà, đều được gấp đôi so với những gì trước đây Gióp có (x. 1,1-4), con cái thì xinh đẹp không ai sánh bằng (c.15) ông chia gia tài cho cả con gái để nói lên sự giàu có sung túc của mình (c. 15) vì con gái chỉ được chia gia tài khi không có con trai. Phúc lành của Thiên Chúa chan chứa trên ông, cuộc đời ông hạnh phúc và thịnh đạt tới 140 năm (c.16). Như thế so sánh Gióp với ông Giuse ngày xưa thì Gióp hạnh phúc hơn, vì ông được nhìn thấy bốn đời con cháu. Và cuối cùng như tổ phụ Abraham và Isaac, Gióp qua đời lúc tuổi già chồng chất tháng ngày.
GỢI Ý THẦN HỌC
Qua sách Gióp đặt ra cho chúng ta một loạt những vấn nạn tại sao có đau khổ, tại sao phải chết, làm thế nào để giải thích được nỗi bất hạnh đang đè nặng trên người vô tội. Gióp đã trả lời cho chúng ta sự đau khổ chính là một huyền nhiệm nó không hoàn toàn là do tội lỗi, mà đôi khi còn là do thánh ý của Thiên Chúa, nhưng khi Thiên Chúa gặp gỡ Gióp, Ngài không trả lời cho Gióp về những chất vấn của ông. Ngài chỉ cho biết sự thật siêu việt của Ngài và con người cũng có thể hiểu được, chính trong những lúc như vậy bằng cả niềm tin của mình Gióp đã nhận được tình thương và sự quan phòng của Chúa, ông hối cải và bày tỏ niềm tín thác và trung thành, từ đó cho chúng ta hiểu rằng để được ơn cứu độ con chính là con người biết tín thác vào Thiên Chúa để lãnh nhận hồng ân Người ban. Qua việc phân tích bản văn Gióp 42,7-17, chúng ta nhận thấy Thiên Chúa xác nhận Gióp đã nói ngay thẳng về Người, điều này để nói lên mối quan hệ đích thực với Thiên Chúa phải được xây dựng trên sự thật không phải không biết những cách giải thích truyền thống, những thần học về Thiên Chúa như những người bạn của Gióp nêu ra, Gióp không cảm thấy thỏa mãn những lập luận đó và ông nói thật những suy tư, những cảm nghiệm của mình. Qua đó cho chúng ta thấy rằng, nói về Chúa dù có hay đến mấy mà không có sự chân thật thì vẫn chỉ là giả dối. Gióp cũng đã nói “những điều đúng đắn” về Thiên Chúa. Còn các bạn hữu của ông nghĩ rằng họ biết về Thiên Chúa nhưng thực ra họ đã bóp méo, đóng khung Thiên Chúa trong khuôn khổ chật hẹp, với những khái niệm và lý luận xơ cứng của con người, theo kieu công bình Giao hoán. Trong khi đó Thiên Chúa là một mầu nhiệm không thể dò thấu. Người vượt trên tất cả những khái niệm của con người. con người trở thành ngu xuẩn trước thực tại vô cùng huyền nhiệm này (42,8). Chính Thiên Chúa nhắc nhở cho các bạn hữu của Gióp như thế và cũng nhắc cho tất cả chúng ta.
KẾT LUẬN
Sách Gióp thuộc trào lưu khôn ngoan Cận Đông, dưới hình thức đối thoại, bàn về sự báo oán, quan niệm thưởng phạt, người công chính chịu đau khổ…Từ cuộc gặp gỡ Thiên Chúa, Gióp đã được thay đổi tận gốc rễ trong thẳm cung tâm hồn. Mỗi giây phút than tình với Thiên Chúa khiến ông hoàn toàn tín thác nơi quyền năng và tình yêu thương quan phòng của Thiên chúa. Thiên Chúa không loại bỏ đau khổ, chết choc khỏi cuộc sống con người, nhưng kinh nghiệm sống kết hợp với Thiên Chúa đã giúp cho Gióp khiêm tốn, nhẫn nhục chịu đựng đau khổ trong bình an và tín thác trọn vẹn. đó là điều cao quý nhất, còn tất cả những gì khác chỉ là thứ yếu mà thôi[4]. Qua câu chuyện của Gióp, tác giả giúp chúng ta nhận ra rằng: ngoài nguyên nhân thường xuyên của sự dữ là tội, còn có nguyên nhân thứ hai là ma quỷ. Thiên Chúa cho phép ma quỷ được thử thách con người. tuy nhiên, người công chính lại cũng được hạnh phúc (ngay ở đời này). Bởi vì thử thách trong trường hợp này chỉ có tính cách thanh luyện và tang them công trạng của người bị thử thách. Đó là mục đích của sách Gióp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét