Nỗi niềm xa xứ

Thủy

Thủy

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

VỊNH GÁI Ở DÒNG

                                  VỊNH GÁI Ở DÒNG

Cảnh đẹp nào hơn cảnh đẹp  này
Bồng lai tiên cảnh phải chăng đây?
Mây giăng lồ lộ sườn non gấm
“Gái dòng” son phấn biển kéo mây
Mấy chú gác cần ngơ ngác mặt
Cụ già gậy chống tựa lưng cây
Nhìn lên phong cảnh đất trời ấy
Máu mặt anh hùng cũng bỏ thây

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

THÁNH PHAOLÔ TRỞ LẠI

THÁNH PHAOLÔ TRỞ LẠI

Nửa gánh giang hồ bạt muôn phương
Phaolô té ngựa gục bên đường
Đa mát tường thành đang rộng mở
Nào ngờ Chúa gọi dưới vầng dương
Lòng đang hí hửng tìm bắt đạo
Bổng nghe lời Chúa phán trong sương
Sao Lê sao lại làm như thế
Sát hại dân ta quá thảm thương

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ “NÀNG KIỀU LỠ BƯỚC”


MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ “NÀNG KIỀU LỠ BƯỚC”
Các bạn quý mến! Khi tôi được nghe bài hát mang tựa đề “Nàng kiều lỡ bước” do nhóm HKT trình bày. Tôi rất ngỡ ngàng và xúc động, trước số phận của nàng. Đứng trước sự bàng hoàng đó tôi tự nhủ: Chẳng lẽ số phận của một nàng Kiều xinh đẹp, chỉ vì lỡ bước sa vào cạm bẫy mà cuộc đời nàng kết thúc như vậy sao? Chẳng lẽ nàng không đem lại ý nghĩ gì cho cuộc sống hay sao?... Đó là những câu hỏi mà bản thân suy ngĩ, càng suy nghĩ bao nhiêu tôi lại thấy “thương cho số phận của nàng”;

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

NHỚ SÔNG NGHÈN

NHỚ SÔNG NGHÈN

Sông nghèn nước ngập mùa mưa
Đồng chua nước mặn chảy ùa phù sa
Tiếng diều Cố Vượng ru trưa
Mênh mông sóng vỗ thuyền đưa ai về
Bao năm tiếng sáo não nề
Tiếng hò Nghệ Tĩnh vọng về vấn vương
Thả hồn bay lạc muôn phương
Khác nào én liệng giữa sương cùng mù
Chạnh lòng chiếc lá mùa thu
Sông nghèn giờ đã xa mù khói mây
 Câu hò ví dặm đâu đây
Tôi nghe sao thấy lòng đầy lênh đênh.


Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

SỨ ĐIỆP TÌNH YÊU


SỨ ĐIỆP TÌNH YÊU

Pha- ti- ma đó giữa mây trời
Mẹ đã xuất hiện ở ngọn sồi
Tung niềm thương mến ra muôn nẻo
Gieo rắc tình yêu khắp mọi nơi
Sứ điệp Tin Mừng luôn suy niệm
Mân côi tràng hạt mãi trên môi
Mười ba nguyệt thập con ghi nhớ
Chốn Pha- ti- ma thật sáng ngời.

NÚI SỌ CÔ ĐƠN

NÚI SỌ CÔ ĐƠN

Giêsu gánh nặng khối ân tình
Núi sọ cô đơn bước lặng thinh
Mật đắng dâng tràn ơn cứu độ
Dấm chua để lại phúc trường sinh
Tim hồng sưởi ấm trời đông tuyết
Chén đắng ru say cuộc khổ hình
Thập giá nguồn tin yêu vạn thuở
Soi đời rực sáng ánh bình minh

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ TÌNH YÊU


MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ TÌNH YÊU

Tình yêu là gì?
Khi nói về tình yêu tôi phải thú nhận rằng, không ai trong chúng ta có thể nói về tình yêu cách rốt ráo được, mà có nói được thì đó cũng chỉ là một vài khái niệm khập khiểng mà thôi. Vì “tình yêu” nó giống như một bóng ma, ai cũng nghe và ai cũng từng nói về “tình yêu”. Thế nhưng, thử hỏi đã mấy người gặp được “tình yêu”. Chính vì thế, khi nói về tình yêu đích thực thì cũng nói một cách bóng bẫy như Xuân Diệu đã từng nói:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu...một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu...
Không chỉ có Xuân Diêu  mới nói lên được cái bóng bẩy đó. Nhưng, điều mà tôi cảm nhận cách chắc chắn rằng “tôi yêu” chứ không biết tình yêu là gì?; bởi lẽ, tôi cũng đã hai lần thấy mình “yêu” nhưng hai lần “yêu”, với hai đối tượng khác nhau mà tình cảm vẫn độc đáo và duy nhất. Vì thế, mà một cặp tình nhân “yêu nhau” thì có cảm giác như mối liên hệ của họ là độc nhất chưa từng thấy trên thế gian này, mặc dù trên thế gian có hàng trăm hàng ngàn cặp tình nhân yêu nhau, nhưng với tình yêu của họ là tất cả. Từ những kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như xuyên qua những áng văn thơ, tiểu thuyết..., đã cho ta khái niệm về “tình yêu”. Và mỗi người sẽ đi tìm cái “tình yêu và hạnh phúc” cho riêng mình tùy  vào “tình yêu” mà mình quan niêm.
“Tình yêu” bao trùm tất cả những tình cảm cao đẹp như tình mẹ cha, tình anh em, tình bạn hữu...cho đến tình yêu nam nữ, mà trong ngôn ngữ Tây phương đều gọi chung một từ: Love, Amour.
Nhưng chữ “tình yêu” ta có thể giãn lược một cách ngắn gọn là “tình yêu” nam nữ.
Trong ngôn ngữ Việt nam chữ “yêu” chỉ dành cho lứa đôi, còn những đối tượng khác thì “thương”. Nhưng chữ “thương” diễn tả mãnh liệt thì có thể dùng chữ yêu, nhưng phải đi kèm với một chữ khác: yêu thương, yêu mến, kính yêu...

Vậy làm sao để biết được khi nào thì “mình yêu” chứ không phải là “thương”?
Trong thực tế, sự khác biệt giữa “yêu” và “thương” cần phải có sự hiện diện của tình dục! Vì lẽ, con người chúng ta được cấu tạo với năm giác quan, và tình cảm sâu sắc nhất từ bên trong đòi hỏi sự thỏa mãn của giác quan đó.
Khi nói đến tình yêu nào thì cũng nói đến tình cảm và sự thỏa mãn của giác quan đó. Hay nói khác hơn, bất cứ tình yêu nào cũng có phần tình cảm và xác thịt.
Khi bắt đầu “thương” một người thì chỉ cần nhìn thấy người ấy là vui rồi, xẹt thoáng qua thấy bóng nàng hay bóng chàng là ôm mộng nằm mơ, ngây ngất cả ngày. Dần dần, thấy chưa đủ mà phải nghe tiếng nói của nàng hoặc của chàng mới sướng, chứ không thì đau buồn lắm. “Em ơi giây phút cuối không được nghe em nói, không được nhìn nhau một lần...” (Màu tím hoa sim – Hữu Loan).
Nhưng rồi cũng chưa đủ, cần phải chạm vào nhau: nắm tay, vuốt tóc,... “người ấy thường hay vuốt tóc tôi, mỉm cười trong lúc thấy tôi vui...” (Hai sắc hoa tigôn - TTKh).
Cũng chưa đủ! Cần phải ngửi cho được mùi hương quyến rũ của nhau bằng những nụ hôn nồng nàn.
Như vậy, bốn giác quan vừa nêu chưa làm thỏa mãn được “tình yêu”, mà còn phải nếm nhau. Điều này trong tình yêu nam nữ được nhà thơ Xuân Diệu nhắc tới trong bài Xa cách:
“Hãy khăng khít những cặp môi gắn chặt
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng
Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng
Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm”.
Chính vì thế, mà người ta bảo rằng: Ranh giới giữa “tình bạn” và “tình yêu” là một “cái hôn”.
Như vậy, phải chăng tình yêu nam nữ là tình cảm cộng với thỏa mãn tình dục hay sao? Nam cũng thế, mà nữ cũng vậy sao? Hình như, giữa nam và nữ có sự chênh lệch rất lớn, lớn đến nỗi đã khiến cho hai người khác phái yêu nhau, khi xa nhau thì người nữ chỉ cần bức thư hay cú điện thoại là có thể trung thành chờ đợi đến suốt đời, trong khi người nam thiếu sự hiện diện của thân xác người nữ một thời gian dài thì khó lòng mà trung thành!
Nói khác đi, trong giai đoạn tình yêu chớm nở, người nữ phải chiều sự thỏa mãn của người nam để có được tình cảm, trong khi đó người nam phải chiều theo tình cảm của người nữ để có được thân xác. Nếu không kìm hãm nhu cầu “tình yêu” của mình thì “đối phương” sẽ hoảng sợ mà cao chạy xa bay và thế là mất cả chì lẫn chài. Vì thế, sự chênh lệch làm nên cái tuyệt vời và đồng thời cũng là cái đau đớn trong tình yêu. Vì lẽ, người ta thường nói: Người nữ có thể yêu mà không cần tình dục. Ngược lại, người nam có thể làm tình mà không cần yêu.
Nhưng nói gì đi nữa, với khái niện về tình yêu đã trình bày trên cũng chưa thể làm mãn nguyện được sự tò mò cũng như tính hiếu kỳ của các bạn. Bởi thế, con người sống trong một xã hội nhu cầu vật chất hay tinh thần, yêu và được yêu cũng như nhiều yếu tố tâm lý khác tác động chứ không đơn thuần là tình cảm và tình dục.
Phải nói được rằng, suốt hơn hai ngàn năm qua cho thấy: người nam là người quyết định tương quan tình yêu, nên yếu tố tình cảm nơi người nữ gần như hoàn toàn quên lãng, người nữ không có quyền yêu mà chỉ là “đối tượng” cho người nam yêu mà thôi! Vì thế, muốn được người nam yêu thì người nữ phải trở nên “món đồ” cho người nam độc quyền thỏa mãn tình dục của mình. Từ đó cái trinh là điều duy nhất người nam cần nơi người nữ; và người nữ phải bảo vệ cái trinh đó bằng bất cứ giá nào để có được tình yêu! Nhưng để bảo vệ cho cái trinh người ta bao vây bằng cả một hàng rào luân lý thật xa vời, và biến nó thành “tiết hạnh”. Khi một người con gái để cho một người nam thỏa mãn bất cứ một giác quan nào từ thị giác đến xúc giác đều là “thất tiết”, và một người đã “thất tiết” (trên bình diện luân lý) thì xem như là đã “thất trinh” (trên bình diện thể lý).
Vd: Như câu chuyện về chàng Chử Đồng Tử. Nghèo xơ xác đến trần truồng nên phải ẩn mình dưới cát để trốn Công Chúa Tiên Dung,...mới bị nhìn lén Công Chúa tắm một chut thôi, thế mà Công Chúa đã tự cho mình là “thất tiết” với anh chàng cùng đinh kia, đành phải chọn chàng làm chồng!...
Nói vây, phải chăng người phụ nữa vẫn phần nào bị bất công trong lãnh vực tình yêu sao?
Không hẵn vậy. Vì người phụ nữ tôi thiết nghĩ Nàng mới chính là thầy dạy của tình yêu. Tại sao tôi lại đề cao người phụ nữ như vậy? Bởi vì người nam khờ khạo nên nghĩ rằng mình quyết định mọi sự, trong khi đó họ chỉ tuân phục điều sâu thẳm nhất mà Tạo Hóa đặt vào mọi sinh vật...ấy là truyền sinh chủng loại.

            Tình yêu một bí nhiệm của tạo hóa
Thật vậy, Tạo Hóa đã làm nhiều kỳ công, nhưng một trong những kỳ công lớn nhất là: sau khi tác tạo những sinh vật thì cho các sinh vật có khả năng sản sinh ra những sinh vật cùng chủng loại. Chúng ta thấy các nhà khoa học chế tạo ra những con Rôbô nhưng chưa con Rôbô nào lại sản sinh ra được những con Rôbô kế tiếp.
Trái lại, Tạo Hóa đã trao mầm sống cho mọi sự vật, từ cây cỏ tầm thường nhất cho đến các động vật và đỉnh cao là con người.
Khi nói, tới sinh vật là nói tới bản năng, mà nói tới bản năng là nói tới vấn đề thích sao làm vậy như: Đói ăn, khát uống, ...tranh đấu để sinh tồn...
Còn con người không hẳn chỉ có bản năng mà còn có lý trí, mà lý trí là gì nếu không phải là “tình yêu” linh thiêng mà con người có quyền nói không với bản năng. Như vậy, vấn đề truyền sinh nơi con người không chỉ là thêm một mạng người, mà là quá trình góp phần tương tác giữa một người nam và một người nữ để làm xuất hiện một “con người” với đầy đủ ý nghĩa, chứ không giống như con vật, chỉ ăn, sống, truyền sinh, rồi chết!
Chính vì thế, mà Tạo Hóa đã gửi gắm vào nơi hai phái một sức hút mãnh liệt không ai cưỡng nỗi, một sức hút mà nếu mình không giải quyết được thì không thể nào cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn: đó là “tình yêu”. Mà chỉ có con người mới tìm hạnh phúc, còn các sinh vật chỉ tìm cách thỏa mãn các nhu cầu của bản năng.
Như vậy, phải chăng người nữ chính là tâm điểm phát xuất tình yêu?
Như đã nêu trên, trong tình yêu, người nữ trọng tình cảm và xem thường tình dục, mà người nam bị cuốn hút vào tình dục mà xem thường tình cảm. Vì lẽ đó mà có người đã đưa ra một định nghĩa làm hạ giá con người: “con người là một động vật ăn không đói, và làm tình không cần mùa!”.
Tuy nhiên, nhìn trên một khía cạnh nào đó thì con người vẫn được thăng hoa vì con người không phải xài bản năng như con vật, mà con người điều khiển bản năng của mình nhờ “tình yêu”.
Ta có thể nói, khi nam nữ yêu nhau, nơi người nữ, từ thâm sâu không bao giờ là một “người tình” để “làm tình” nhưng là một người tình để làm mẹ (nghĩa là tác tạo sự sống) là điều bao trùm lên cuộc đời của người phụ nữ. Khi người nữ chọn một người tình không phải cho mình, mà là chọn người “cha cho con mình”, vì lẽ đó mà người nữ chỉ thấy mình khi nhìn lại mình qua đứa con. Và điều hạnh phúc nhất của người nữ, không chỉ là có chồng lo lắng cho mình, mà còn cùng mình hướng về người con chung, như vậy một người nữ có chồng, cảm thấy hạnh phúc làm mẹ bao trùm lên hạnh phúc làm vợ!.
Vì lẽ đó, khi gặp phải cảnh “gà trống nuôi con”, thì người ta không hết lời ca ngợi, trong khi đó “gà mái nuôi con” thì có hàng ngàn hàng vạn trường hợp như ai, cũng là chuyện bình thường.
Nói như vậy thì các bạn lại bảo, “tình yêu” chỉ có thế thôi sao?
Dĩ nhiên là không chỉ có thế, mà trong thực tế ta lại thấy: trong người nam có chút nữ, và trong người nữ có chút nam. Thế thì, người nữ cũng có tính dục ít nhiều chứ đâu chỉ có tình cảm. Và người nam vẫn có ít nhiều tình cảm chứ đâu chỉ tình dục đâu. Vì vậy, người nam và người nữ sẽ có cách tìm kiếm và thể hiện tình yêu lứa đôi một cách độc đáo, không ai giống ai.
Dù có độc đáo đến đâu đi nữa thì tiếng gọi “tình yêu ấy” vẫn  Huyền nhiệm xuất phát từ việc bổ túc cho nhau để nam và nữ được trọn vẹn không thể tách rời nhau, thà chết chứ không để mất em, thà chết chứ không để mất anh. “chiến trường đẫm máu anh không sợ, chỉ sợ đường về vắng bóng em” hay nói như Hàn Mặc Tử trong bài thơ – Những Giọt Lệ:
“Người đi một nữa hồn tôi mất
Một nữa hồn tôi bổng dại khờ”
Tuy nhiên trong cuộc sống hôm nay, đâu phải đôi uyên ương nào cũng suôn sẽ cả đâu. Biết bao nhiêu người đã “yêu” cùng một người...rồi bên cạnh đó còn có những cặp vợ chồng sống không phải vì yêu mà vì ép buộc, vì tiền bạc...

Thế thì đâu là tình yêu chân chính?
Một tình yêu chân chính là một tình yêu làm cho con người của mình được triển nở trọn vẹn. Hay nói cách khác, một tình yêu chân chính là một tình yêu làm cho mình thăng hoa từ thể chất đến tinh thần, đó là tình yêu chân chính. Và ngược lại, tình yêu nào đem lại cái chết trong thân xác hay trong tâm hồn, làm cho mình đi trong sự thấp hèn, thì có thể xem đó là một tình yêu không chân chính.
Nhưng, khi nói về sự thăng hoa thì không có nghĩa là không đau xót, không mất mát, vì cái tuyệt vời cũng là cái cay đắng của tình yêu mà. Vậy muốn cho tình yêu trọn vẹn phải có sự đồng thuận, đồng tình, đồng cảm, đồng điệu... của hai người, cho dù là cặp tình nhân tuổi đôi mươi, hay của hai người đang hưởng tuần trăng mật...cho đến cặp vợ chồng 50, 70..., tất cả đều thể hiện tình yêu duy nhất, chứ không chỉ nói rằng tình yêu của hai cô cậu đêm đêm ngồi thức tới 1,2,3h sáng nhắn tin cho nhau thì sâu đậm hơn tình yêu của hai cụ già ở cạnh nhau từ sáng đến chiều mà không còn nói với nhau một tiếng. Và cũng không thể bảo rằng tình yêu của hai vợ chồng chạy ngược chạy xuôi lo cho các con có miếng cơm manh áo đến độ không còn thì giờ dành cho nhau lại không mãnh liệt bằng tình yêu của hai bạn trẻ, công nhân, sinh viên “góp gạo nấu cơm chung” cùng một phòng trọ.
Khi những rung động đầu đời của con tim bắt đầu ngân lên, thì tình yêu dường như là một trái chín ngọt bùi, mà càng nếm thì càng thấy say mê, không nếm được thì con tim nhói lên quằn qoại. Nhưng thời gian trôi qua, khi lưỡi đã quen dần với hương vị của ngọt bùi, người ta mới nhận ra rằng tình yêu là một đòi hỏi gắt gao, vì tình yêu đòi hỏi mình phải gột rửa để cho khớp với người mình yêu. Chính vì sự gột rửa, mất mát đau thương đó mới đem lại tình yêu chân chính được.
“Hạt lúa không thể mọc lên và trổ bông, nếu không vùi mình xuống đất mà mục nát!”.
Thật ngớ ngẫn khi nói hết lời rồi, mà rốt cuộc tình yêu là gì nhỉ? Có người xem tình yêu như một cầu vồng, chỉ nhìn vào những màu sắc rực rỡ chơi cho vui chứ đừng đem ra phân tích như một nhà toán học, vì như vậy sẽ làm mất đi cái đẹp của “tình yêu”.
Riêng tôi, tôi thiết nghĩ: tình yêu cũng giống như một bông hoa trong vườn, nhưng với nhiều cách tiếp cận khác nhau trên nhiều lãnh vực như: một họa sĩ ngắm hoa sẽ khác, một thi sĩ ngắm hoa sẽ khác....như vậy tình yêu là gì? Đó chính là bí nhiệm vượt quá khả năng của con người, vì “con người là hữu hạn nhưng lại khát khao một tình yêu vô hạn”. Nên chúng  ta chỉ nói về tình yêu cách bóng bẫy khập khiểng mà thôi....

Tôi chúc tất cả các bạn đã, đang, và rồi, có được một cuộc sống an vui, hạnh phúc

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

MÙA THU HÀ TĨNH


                                                                  MÙA THU HÀ TĨNH

        Thu về lạnh lẽo chiếc lá bay
        Anh đi xa xứ đã bao ngày
        Sông nghèn chảy mãi nom thêm trẻ
        Kẻ gỗ trôi đi nước vẫn đầy
        Hai nghã Nam, Bắc, Trung ở giữa
        Đôi đường cách trở đó và đây
        Suốt thời gian ấy bao đau khổ
        Góp lại đường đời để nhớ say



Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

YÊU MẾN KẺ THÙ LÀ ĐIỂM CỐT THIẾT CỦA ĐẠO KITÔ GIÁO


“Yêu mến kẻ thù là cốt thiết của đạo Kitô giáo.

Mở bài
Có một thứ tình mà ai cũng muốn có, đó là tình yêu. Nhưng có một thứ yêu mà ai dám sống cũng đều phải trả một giá đắt đỏ, đó là “lòng yêu kẻ thù”.
Ở bình diện đạo lý, lòng yêu ấy là điểm độc sáng của Tin mừng; là niềm tự hào của người Kitô hữu; là hướng phấn đấu của người muốn sống thánh thiện. Nhưng ở bình diện thực tiễn, lòng yêu ấy lại là giáo án khó “nuốt” của người muốn sống Tin mừng; là bài toán khó giải của người muốn làm muôn đệ Đức Giêsu hoặc là bài học dễ quên của người tập sống nhân đức.
Người chưa gặp hoặc chưa sống lòng yêu ấy có thể nói về nó một cách say mê nhưng người đã gặp hoặc đã sống lòng yêu ấy mới cảm nhận được nỗi đắng cay ê chề của nó.
“Về lý thuyết, nó là chiều cao dịu ngọt của lòng nhân ái nhưng trên thực tế, nó lại là vực sâu cay đắng, cay đến nỗi có người nghĩ rằng tình yêu ấy chỉ dành cho những bậc thánh nhân chứ người phàm hoặc người bình thường thì làm sao chịu được” (ĐGM Giuse Vũ Duy thống).
“Về lý thuyết, nó là chiều cao ngút ngàn của sự thánh thiện nhưng trong thực hành, nó lại là hố thẳm đắng chát, đắng đến độ có người cho rằng tình yêu ấy chỉ có ở đời sau chứ đời này xem ra không thể” (ĐGM Giuse Vũ Duy Thống).
Nhưng chỉ sống ở đời này, người ta mới cần được mặt trời và mặt trăng chiếu sáng; chứ ở đời sau, người ta lại không cần được mặt trăng và mặt trời chỉ đường. Thế mà ở đời này, Thiên Chúa “đã cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45) nên việc chúng ta phải “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” như lời Đức Giêsu dạy lại là một bổn phận bắt buộc nếu chúng ta muốn nên hoàn thiện, mặc dù đây có thể là một bổn phận nghịch thường nhưng chắc chắn không là nghịch lý. Và chúng ta có thể nêu lên sự nghịch thường của bổn phận ấy trong ba đặc tính sau:

1.   Về mức biên độ
Bổn phận “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” bao giờ cũng vượt quá ranh giới biên độ của luật công bình hay sự sòng phẳng. Theo đó, yêu người mình thương; yêu người mình thích là dấu hiệu trái tim còn khởi động và còn hoạt động. Nhưng sự khởi động và hoạt động này nhiều khi rất khó hiểu, vì “khi mở ra thì bao la ngàn trùng. Nhưng khi khép lại thì vô cùng chật hẹp. Khi thao thức thì vô cùng nhanh nhạy, chỉ một thoáng nhìn, chỉ một âm thanh mơ hồ cũng đủ làm xao xuyến, rộn ràng. Nhưng khi ngủ yên thì vô cùng chai cứng, chậm chạp, dù có đập vào mắt, dù có hét vào tai, người ta vẫn cứ lạnh lùng, dững dưng” [1].
Cứ theo nhịp này, người ta sẽ khó có khoảng trống cho tình yêu kẻ thù, vì trái tim khi ấy đã được bao bọc bởi lẽ công bình hay luật đồng điệu hoặc tương xứng. Nhưng khi Đức Giêsu xuất hiện, Ngài đã làm bung vỡ vỏ bọc đó để giải phóng trái tim nhân loại và đưa trái tim ấy vào quỹ đạo nhịp đập của trái tim Ngài. Từ đây, trái tim nhân loại không còn đập theo hai nhịp của “ơn oán” nữa mà chỉ còn đập theo một nhịp duy nhất là nhịp “tình yêu”. Đó là nhịp của tình yêu phổ quát chẵng từ ai và không xếp loại bạn thù. Đó là nhịp đập của tình yêu không để cho sự sòng phẳng của “ân oán” chi phối mà là do Tin mừng hướng dẫn. Bởi đó, bổn phận yêu kẻ thù phải được liên kết với việc cầu nguyện cho mình và cho họ, vì chúng ta không thể yêu họ chỉ bằng tình yêu của chúng ta mà còn phải yêu họ bằng tình yêu của Thiên Chúa. (Do đó)

2.    Xét về mặt thực hành
Bổn phận “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” bao giờ cũng phải vượt quá khuôn khổ của nghệ thuật ứng xử hay giao tiếp. Theo đó, trong nghệ thuật xử thế, người ta có thể khuyên dạy nhau rằng: “yêu ai thì cũng phải biết cái xấu ở người ấy và ghét ai thì cũng nên biết cái tốt ở nơi họ”. Tích cực hơn, người ta có thể đọc được lời dạy của Đức Phật là: “lấy oán báo oán, oán oán chập chùng; lấy đức báo oán, oán oán tiêu tan”.
Thế là trong nghệ thuật xử thế, người ta chủ trương cố gắng tìm cách tôn cái đức, cái đẹp và xua cái oán, cái xấu. Nhưng người ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng mình không dễ loại trừ được thù oán.
Như vậy, dựa theo khuôn khổ của nghệ thuật ứng xử hoặc “thuật đắc nhân tâm”, người ta vẫn có thể thi hành được bổn phận “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình”.(vì thế)

3.   Xét về mặt bản chất
Bổn phận “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” chính là phương thế duy nhất cốt thiết của người Kitô giáo nhằm giúp người ta đạt đến sự thánh thiện. Theo đó, đây không phải là bổn phận lận đận mà là sự thân cận thánh thiện. Đây không phải là một bổn phận cay đắng mà là sự “thay trắng” tâm hồn. Đây cũng không phải là một bổn phận làm vắng niềm vui mà là sự trui rèn nhân đức. Bởi đó, dẫu thuật xử thế không đặt tên và luật công bình không nhắc đến nhưng bổn phận này vẫn có thật trong giới luật yêu thương của Đức Giêsu. Đồng thời cũng chính Ngài đã mở ra hướng thánh thiện được quy chiếu vào trong tình yêu của Thiên Chúa, khi Ngài mời gọi mọi người “hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
Với sự quy chiếu này, người ta sẽ không “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đã mình” để chỉ được hòa giải mà còn vì tình yêu Chúa, khi thấy Chúa Cha đã cho nắng, cho mưa đổ xuống trên cả người lành, kẻ dữ; còn Chúa Giêsu đã không những tha thứ cho kẻ giết mình mà còn muốn bênh đỡ và cầu nguyện cho họ rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34); trong khi Chúa Thánh Thần lại là Đấng Thánh Hóa và là tác giả của mọi công trình canh tân đổi mới trong tâm hồn con người.
Đây chính là nguồn sống của những tình yêu đặc biệt dành cho những “kẻ thù nghịch” và cũng là thước đo chiều dài của đường hoàn thiện nơi mỗi người chúng ta. Ai trong chúng ta cũng có và cũng là “thù nghịch” của người khác, tùy mức độ ít nhiều, nếu chúng ta hiểu bóng dáng của những thù nghịch ấy là sự bất đồng, bất hợp, bất tương, bất xứng hoặc là sự bất hòa, bất hiếu, bất công, bất thuận. Khi chúng ta hiểu ra được yêu kẻ thù” và bản chất của những thù nghịch ấy, chúng ta mới thấy được điểm sáng của Tin mừng, và là điểm cốt thiết của đạo Kitô giáo. Vậy đâu chính là điểm cốt thiết đó?

4.      Điểm cốt thiết của đạo Kitô giáo
“yêu mến kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình” đây chính là điểm cốt thiết và là điều khác hẳn với mọi tha thứ bên ngoài của trần gian này.
Tại sao vậy? Thưa vì, ngày xưa luật dạy: “mắt đền mắt, răng đền răng”.
Trong xã hội hôm nay cung không khác người xưa: “ăn miếng trả miếng”
Nhưng, khi Chúa Giêsu đến Ngài dạy: từ nay, phải khác đi, là không được báo thù, nếu đánh má bên trái thì đưa luôn má bên phải. Và điều đó là dấu chỉ của con cái Cha trên trời: Quả thật! Nước Thiên Chúa có đó, và người tin sống được như thế. Từ đó, sẽ kéo đến những thái độ thực tiễn: Một sự dửng dưng đối với kẻ thù đã là tang chứng của việc mình không yêu mến.
Chỉ có yêu mến, một lòng yêu mến thật trong lòng mới có thể diệt bỏ được sự hận thù.
Ta nên hiểu, hận thù và ghen nghét ở đây chính là một thứ vi khuẩn gặm nhấm con tim làm thối rữa nội tại của con người.
Và việc chữa lành là chúng ta phải tức khắc khao khát sự cứu rỗi: “Vậy nếu ngươi dâng của lễ nơi Bàn thờ, và ở đó nhớ ra anh em có điều bất bình với ngươi, ngươi hãy đặt của lễ đó trước Bàn thờ, mà đi làm hòa với anh em ngươi trước đã, rồi bây giờ hãy đến mà dâng lễ vật của ngươi” (Mt 5,23-24).
Qua đó, chúng ta hiểu, kẻ thù, nhờ mầu nhiệm Chúa Kitô có mặt, mà được diễn ra như người đồng loại của tôi, mời gọi lòng yêu mến của tôi; và trong mức độ người đó càng hại tôi, thì càng đòi hỏi tôi phải lo đến phần phúc cứu rỗi của họ, họ như thể trong lâm nguy vậy (thiêng liêng): ai càng làm hại mình thì như thể người đó càng trong khốn khổ thiêng liêng thật, và càng là lời kêu cứu để lòng mến của Thiên Chúa xuống trên họ qua lòng yêu mến của mình.
Ai làm như thế, người đó nên công chính!
Tóm lại: Yêu thương là bác ái – bác ái là Tin Mừng – Tin Mừng là Chúa Giêsu – mà Chúa Giêsu dạy ta qua Tin Mừng của Ngài là phải yêu thương kẻ thù! Ngài nói nếu các con chỉ yêu thương những người vừa ý các con, thì các con hơn kẻ không Kitô giáo được cái gìKết luận
Khi mời gọi chúng ta “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” (Mt 5,44); để chúng ta được nên hoàn thiện, Đức Giêsu đã chứng thực với chúng ta rằng Chúa Cha yêu thương mọi con cái Ngài, dù đó là những người con đáng thưởng hay đáng trách. Nhưng chúng ta cũng biết rõ rằng bổ phận phải sống yêu thương đối với chúng ta thật khó khăn biết bao, đặc biệt khi phải thể hiện sự yêu thương và kính trọng với những người chúng ta không hợp, không thích.
Xuyên qua đó, cho chúng ta thấy được “yêu mến kẻ thù” nó mang tính thần học sâu sắc. Sâu sắc ở chổ là phải tha thứ tận đáy lòng. Đây cũng là điều tiên quyết để chúng ta được Chúa tha thứ. Báo thù bất kỳ dưới hình thức nào tự bản chất là phản lại mạc khải về tấm lòng của Thiên Chúa mà chúng ta đã đón nhận.
Dấu chỉ để tha thứ là “cầu nguyện cho họ”. Phải hiểu cầu nguyện như là khát vọng, mong mỏi kéo cái phúc của Thiên Chúa trên đời của họ, phúc cứu rỗi và sự lành trong cuộc sống.
Vậy chúng ta cùng cố gắng phấn đấu và xin Chúa giúp chúng ta chu toàn tốt bổn phận yêu thương đặc biệt này.


[1] Đức TGM Ngô Quang Kiệt, Chia sẻ Tin mừng Chúa Nhật, Năm A, tr. 204-205