PHẢI CHĂNG CON NGƯỜI TỰ DO LÀ CÔ ĐƠN?
Mở bài
Là con người ai cũng có tự do, tùy vào những hoàn cảnh, cách sống. Vậy ta cũng có thể nói “tự do” là đề tài muôn thủơ của con người. Chính vì thế mà người ta tốn biết bao công sức, giấy mực để tranh đấu cho tự do. Con người khát khao tự do, một cách nào đó tự do như là hồn sống của mỗi người. Vậy phải chăng con người tự do là cô đơn như đầu đề đưa ra? Nói khác đi, tự do của con người nó chỉ giới hạn trong lãnh vực cô đơn sao?
Thật khó có thể giải quyết vấn đề cho thỏa đáng được vì “tự do” nó không chỉ thuộc phạm vi tự chủ như Kant đã nói: “con người có thể làm tất cả những gì con người muốn”. Thế nhưng tự do của con người đâu phải muốn làm gì thì làm, mà nó còn liên quan tơí vấn đề triết lý, tâm lý, luân lý… nói chung nó bao hàm tất cả vì con người sinh ra là tự do.
“Tự do” theo K. Jarpers là: "chính mình tự quyết định như thế, và hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định đó… tự do cũng đồng nghĩa với lựa chọn”.
Theo các nhà tâm lý: “tự do là tính chất con người làm chủ lấy mình, không bị lệ thuộc vào bất cứ ai hay một cái gì, là khả năng làm bất cứ điều gì mình muốn”. Hay theo một nghĩa hẹp thì “tự do là khả năng lựa chọn mà không bị chi phối bởi một áp lực nào như một dục vọng, đam mê, cảm xúc nào”.
Bên cạnh đó lại thêm cụm từ “cô đơn”.
Vậy cô đơn là gì? Theo nghĩa thông thường thì cô đơn là trạng thái thiếu vắng, đơn độc, lẽ loi. VD: người con thiếu vắng tình cha, tình mẹ, người vợ thiếu vắng tình chồng tình con. Còn theo các triết gia hiện sinh: “cô đơn là mình bị tha nhân xem như một “tha thể”, ngang hàng với sự vật, bị tha nhân dòm ngó, thôi miên, cô đơn là khi bị cắt đứt thông giao “ái tình” bị rạn nứt, tôi và tha nhân có quan hệ “chủ thể”và “đối tượng”. Tôi xem tha nhân như con mèo, hòn đá,cây cối…
Tóm lại: cô đơn là trạng thái thiếu vắng, bị bỏ rơi cắt đứt thông giao tâm lẫn sinh lý.
Thêm vào đó cụm từ “phải chăng” chỉ là một khả thể, hay phóng dụ, điều này muốn nói lên sự tự do của con người, trong đời sống hằng ngày và xã hội. Nói đến tự do ta nghĩ ngay đến các nhà hiện sinh hữu thần và vô thần.
Chính vì thế, như câu hỏi đã nêu trên. vậy tôi xin đặt lại vấn đề. Tự do là gì? Thế nào là tự do cô đơn và thế nào là tự do không cô đơn? Để từ đó ta thấy được “tự do” trong đời sống. con người. Vấn đề này sẽ được sáng tỏ trong những phần dưới đây.
I. "Tự do" của con người là gì?
Trước hết theo các nhà kinh viên: con người tự do là con người có một khả năng bẩm sinh, gắn liền với bản tính làm người; và chính hoạt động của khả năng ấy, để lựa chon việc định làm ấy.
Theo viễn ảnh kitô giáo thì tự do là nguyên nhân khiến con người nên cao quý thật. Vì lẽ nhờ tự do đúng đắn hướng dẫn, con người tự giải thoát khỏi mọi kiềm toả của đam mê mà “theo đuổi cùng đích của mình trong thái độ tự do chọn lấy điều thiện”.[1] Cũng như con người là một hữu thể vừa hiện hữu độc lập vừa hướng về kẻ khác, sự tự do nơi con người làm cho con người vừa có khả năng tự lập, tự quản, vừa biết mở rộng đón nhận tha nhân. Con người vừa là một dữ kiện đầy tiềm năng tiến lên, vừa là một thực tại đang tự kiện toàn. Sự tự do nơi họ cũng thế: khả năng thiên phú phải được khai thác cho tiến bộ. Con người thực hữu là người đã sa ngã phạm tội, song cũng đã được Chúa Giêsu cứu chuộc. Sự tự do nơi nó cũng là một khả năng đã bị tội lỗi nô dịch, song nhờ ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu, nó có thể được giải phóng dần dần khỏi mọi kiềm toả trong ngoài để hướng thiện. Do đó, có thể nói rằng lịch sử một con người chính là lịch sử việc phục hồi tự do chân chính nơi nó.
Diễn tả như thế ngụ ý rằng: phải chinh phục dần dần để được tự do đích thực. Tự do của người trưởng thành là thứ tự do biết tự chủ. Nhiều ngoại ngữ diễn đúng nghĩa tự chủ, Autonomia: tự mình ra luật cho mình giữ. Luật mình ra mình giữ để hoàn thành bản thân mình, ngày được tự do hơn. câu nói có vẽ nghịch lý. Nhưng sự thực đời người là thế. Tự do nơi trẻ nhỏ dần dần lớn thêm khi biết ép mình theo chế độ kỷ luật nào đó. Pháp chế tạm thời được áp đặt để giúp con người dần dần biết tự chủ, tự quản, tự trị. (VD: trẻ bắt đầu đi học để tập sống có kỷ cương của nhà trường). Tôi chỉ thực sự tự do làm chủ bàn máy khi mười ngón tay đã qua giai đoạn tập dợt theo đúng phương pháp.
Đứng trên một phương diện khác, Ong Trường Chinh cũng lập luận tương tự: “có văn nghệ sĩ đến bây giờ còn nói: con người của tôi chia làm hai: có ngời công dân có khuynh hướng rõ rệt và con người nghệ sĩ tuyệt đối tự do. Nguỵ biện”! Tự do là quý, nhưng trên đời không có tự do tách rời tất yếu bao giờ. Ang- ghen đã viết tự do là sự tự chủ con người của ta và làm chủ được thế giới bên ngoài.
Sự tự chủ là sự làm chủ đó là căn cứ vào chổ ta hiểu biết những quy luật tất yếu của tự nhiên. Cho nên tự do cùng tất yếu phải là một sản phẩm của lịch sử tiến hoá (chống During).
Tại sao đã tự do lại còn tất yếu? Vì người có tự do là người hiểu rõ quy luật tất yếu khách quan của tự nhiên, của xã hội và hoạt động trong phạm vi hiểu biết của những quy luật đó.[2]
Như vậy tự do tuyệt đối ở đời này là giả tưởng, ảo vọng. Tuy nhiên những quy luật hợp đạo làm người buộc ta phải theo để ta phát triển con người, không phá huỷ sự tự do nơi ta. Người ta có tự do khi ý thức làm chủ được hành vi của mình. Việc làm chủ này dĩ nhiên còn tuỳ theo mình còn bị cản trở bởi bệnh hoạn, thói quen, tật xấu... hay không.[3] Chính vì thế mà tôi không tự do giữa trời đất, tôi không tự do như một ý nghĩa trìu tượng, mà luôn phải thể hiện tự do trong một tình trạng lịch sử nào đó. Tự do chỉ có thực sự khi tôi luôn là tôi trong một cảnh ngộ, tôi chỉ là tôi trong cuộc tranh đấu làm nên cuộc đời tôi. Con người chỉ có thể vượt qua những giới hạn của hoàn cảnh bằng cách đi sâu vào nó, bằng sự đảm nhận, ủng hộ nó để hoàn thành vận mệnh của mình.
Dĩ nhiên vì nhiều nguyên cớ nội ngoại mức độ được tự do trong thực tế đời người thật co giãn. Tôi có thể được tự do thật theo triết lý (hiểu biết rõ và quyết làm theo), song chưa tất yếu, phải gánh hoàn toàn trách nhiệm về công việc mình làm, nhất là trong phạm vi tội lỗi. Vì ngoài các điều kiện của tự do theo siêu hình để thành trọng tội, còn phải để tâm đến sức ép tâm lý, những xúc cảm... có thể giới hạn phần nào sự tự do tâm lý và chi phối quyết định hành vi tội lỗi. Nhận xét của cha Gleason rất chí lý: “nỗ lực con người ráng để sống luân lý không phải là một thứ (nỗ lực)” hoàn toàn tự chủ đến nỗi, mọi cái đã nỗi lên tầm tri thức đều tất nhiên là tự do.... Không nên đánh giá những định mệnh của tiềm thức. Chúng ta phải hểu rõ rằng; sự tự do, tự lập, trách nhệm, không nhất thiết đồng nhất với sự kiện có ý thức. Sự tự do của con người bị quy định bởi bao yếu tố “có trước” như gia truyền, thói quen... Chính thực tế phủ phàng đó mà Thánh Phaolo phát biểu: “sự thật tôi muốn tôi không làm; còn sự giữ không muốn tôi lại làm theo”.[4]
Dù thực tế có vẽ “định mệnh” ấy, ta đừng quên rằng: con người, kể cả người bệnh tâm thần, vẫn có khả năng thực để chọn tự do. Hai giáo sư Rogers và Kinget, chuyên về khoa phân tâm đã nhận định trong tác phẩm Psychothérapie et relations humaines I, (P.304-307): “các bệnh nhân ấy cảm thấy mình được tự do trở nên chính mình hoặc núp sau mặt nạ, tự do tiến lên hay lùi lại, tự do cư xử một cách xây dựng hay phá hoại. Họ quyết định, nghĩa là chọn lối sống nào mà họ cho là tốt nhất, tiết kiệm nhất”.
Chính vì thế mà đòi hỏi tính tự do phải có thật.
Tự do có thật, một xu hướng triết học, chẳng hạn thuyết định mệnh, không nhận có sự tự do trong hoạt động của con người. Họ nghĩ rằng: mọi việc ta làm đều được quy định bởi các điều kiện tiên thiên và hậu thiên, như môi trường sống, gia đình, giáo dục.[5] Hiến chế Gaudium et spes của công đồng vatican II[6] lại quả quyết: người thời nay “rất ngưỡng mộ và hăng say đeo đuổi sự tự do, và họ thực có lý”. Bởi lẽ “phẩm giá làm người đòi hỏi họ phải hành động theo sự chọn lựa ý thức và tự do, nghĩa là chính con người được thúc đẩy và hướng dẫn tự bên trong, chứ không do bản năng mù quáng hay cưỡng chế hoàn toàn bên ngoài”. Chính vì được tự do tự quyết con người chịu trách nhiệm về cách sống của mình.
Truyền thống Kitô giáo cũng quả quyết phải được tự do dấn thân, con người mới được cứu độ. Trong tác phẩm De libero arbitrio, Thánh Augustino đã nói: “nguyên cớ làm lành hay làm sự giữ là chính ý chí tự do của con người”. Chính vì thế mà sau tội nguyên tổ thì con người vẫn hoàn toàn được tự do, mỗi người sẽ phải trả lẽ về đời sống của mình tuỳ vào việc họ làm, cho nên tự do ở đây phải là tự do có tinh thần trách nhiệm. Tự do có trách nhiệm là tự do không thể cô đơn.
1.Con người “tự do” là con người không cô đơn tại sao?
Tự do không cô đơn là tự có sự thông giao với người khác, là sự tự do có trách nhiệm trong nọi việc mình làm.
* con người tự do là có trách nhiệm.
Là người tự do có tinh thần trách nhiệm. Vậy chịu trách nhiệm về cài gì? Thưa chịu trách nhiệm về một hành động, là khi hành động đó được làm với ý thức và muốn làm. Như thế tinh thần trách nhiệm ràng buộc với tự do. Tinh thần trách nhiệm cao thấp tuỳ theo mức độ được tự do nhiều hay ít, khi tự do bị chi phối bởi nhều áp lực như tật xấu, ám ảnh đam mê dục vọng… thì trách nhiệm cũng bớt đi. Tự do hoàn bị khi ta hành động hoàn toàn do nhận thức hướng dẫn và do
lòng muốn thúc đẩy thì trách nhiêm thật nặng nề , và tự do đạt tới độ thành toàn đem lại phẩm giá cao cho mỗi người khi con người được khỏi mê lầm, bất chính, tội lỗi, mà chọn làm đều thiện. Chính vì thế nên đòi hỏi nơi mỗi người phải có trách nhiệm về mọi hành động mình làm.
* Con người tự do là con người trưởng thành.
Người được tự do trưởng thành là người biết tự chủ, biết đảm trách cộc sống sao cho xứng phận làm người, hoàn toàn làm chủ công việc mình làm hay định làm. Làm chủ được sự tự do của mình, người tự do bao giờ cũng giàu óc sáng tạo. Còn người ấu trỉ thì dù đã trưởng thành về tâm sinh lý vẫn là người âu trỉ. Cha Beirnaert bình luận rất đúng: “ tinh thần thơ ấu là một bộ óc biết sáng tạo không ngừng, còn bệnh ấu trỉ chỉ lặp lại những phản ứng quá khứ mà thôi”. [7] Nếu xét phận làm con cái Chúa thì “người ta chỉ có thể là con cái Chúa thật khi trưởng thành đủ trước mặt người ta”. [8]
Trường phái khắc kỷ của Hy Lạp cho rằng: Hiền nhân quân tử là người tự do, vì họ sống hợp lẽ phải, không lao mình theo dục vọng.
Theo ánh sáng đạo Chúa thì con người tự do khi hướng về Đấng là Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối. Mouroux diễn tả lý tưởng đó như sau: “con người yêu chuộng cái mà Thiên Chúa thực hiện nơi nó và muốn nơi no”. Nó đập tan mọi chướng ngại của lầm lẫn, dục vọng, kiêu hãnh. Nó hướng sự sáng suốt và nghị lực để đáp ứng bổn phận, để phụng sự Chúa, phục vụ anh em đồng loại. Nó nội tâm hoá lề luật, giới răn và mọi điều buộc. Cứ yêu đi rồi làm gì thì làm. Và đó là giới luật độc nhất. Hãy coi trọng việc bổn phận, yêu mến Chúa và đồng loại, rồi làm gì tuỳ thích. Vì lúc đó, cái con ước muốn sẽ là lòng chính trực, sự thanh khiết, lẽ công bình, lòng quảng đại,... Nói tón lại, tất cả sự thiện. Và kẻ có thể yêu mến như thế cách tuyệt đối, họ sẽ hoàn toàn được tự do, vì đối với kẻ ấy,làm điều họ ao ước và thi hành cái họ phải làm là một và chỉ là một mà thôi.
Diễn giải đó phù hợp với tư tưởng giáo phụ. Thánh Augustino bảo: “người ta giương vây chống Chúa bằng một cái sừng của một thứ tự do giả tạo” (Conf. III, VIII, 16). Vì thế trong bài giảng CXLII, IV.3 (Pl. 38,779), Thánh nhân quả quyết dứt khoát: “tự do là khả năng tìm về Chúa; còn phạm tội làm cho tự do hoá vong thân, làm tôi dục vọng”. Con người chỉ được tự do thật khi yêu mến Đấng thiện toàn tuyệt đối. “sự tự do của con người càng hợp với hoạt động của Chúa thì con người càng được hưởng tự do”.
Vậy huấn luyện tự do trưởng thành, phải lấy tinh thần và lề luật của Chúa Kitô làm nền tảng. Nay cũng là đề tài được thánh Phaolo khai thác triệt để. “anh em đã được kêu gọi để được tự do; nhưng đừng lấy tự do mà sống theo xác thịt” [9] còn “cội rễ của sự tự do đã được ơn Chúa Kitô cải hoá. Hãy trở nên đúng phận làm người. Địa vị Chúa Kitô không phải là cho chúng ta thứ tự do đã hoàn thành, song là cho chúng ta được giải phóng hoàn toàn nhờ sự giải phóng đã khởi đầu. Và nhờ trời ban ơn cội rễ là sự tự do. Chúa cho chúng ta khả năng làm một cuộc chinh phục sự tự do cá nhân”. [10] chính vì vậy mà tự do đây không phải là của thế giới tự do tự do này bảo đảm tự do hiện sinh tức tự do có sự thông giao. Thông giao này là thông giao với Thiên Chúa, với vũ tru, tha nhân.
Thế nhưng bên cạnh sự tự do có trách nhiệm thì lại có những sự tự do làm cho con người cô đơn, phi lý, sống không có ý nghĩa, chán ngấy, buồn nôn như Sartre, Nietzche.
* Con người tự do là chấp nhận mọi luật lệ.
Saint-Exupéry viết: “tự do là quyền được tự do chọn những cái ép buộc”. Câu văn có vẽ mâu thuẫn, song rất đúng thực tế. Vì trời đã ban cho ta tự do để tập sống trưởng thành, và phải tập suốt đời. Mouroux nhận định, tự do vừa là “một định nghĩa, một ân huệ trời ban, vừa là một cuộc chinh phục”. Tức không ràng buộc, không lệ thuộc. [11] Có thể ví tự do Chúa ban khởi đầu như cái nụ, sẽ phát triển thành hoa, rồi kết trái. Hình ảnh ấy giúp ta hiểu tự do có thể bị bóp nghẹt bởi bao sức ép trong ngoài, khiến nó thành bất lực. Chính tự do khiến người ta chịu trách nhiệm về mọi việc mình làm. Song con người lại phải chịu trách nhiệm về sự tự do của mình. Nên tốt hay xấu là tự mình. Thực tại của tự do là những cái gì phức tạp. Nó bị trói buộc bởi bao ảnh hưởng mà thánh Grêgôriô ở Nysse diễn tả rất gợi hình. “Bị ảnh hưởng đó giống như “một cái mu rùa” làm tê liệt tâm hồn, và tâm hồn tha thiết với những thú vui cuộc của sống nhờ cảm quan, dường như bị một cái đinh đóng chặt vào đó và không khi nào lìa khỏi những tiềm lực vấn vương tâm hồn”.[12]
Bởi tình trạng ấy, cần phải giải phóng tự do, dần dần khỏi mọi áp lực nhờ uy quyền, pháp chế. Uy quyền và pháp chế giống như những bảng chỉ đường cho bộ hành hay người lái xe, vừa khỏi tai nạn vừa đi tới đích. Luật lệ đóng vai trò phương tiện. Còn phát triển và đảm bảo sự “tự do” là mục đích. Ở thời điểm hiện nay hay tại trần thế này tự do đích thực khó có được, nếu không có uy quyền, pháp chế và lề luật yểm trợ và giáo dục.
Thế nhưng bên cạnh sự tự do đích thực, lại có những sự tự do phóng túng, không tuân thủ luật lệ, cho dù đó là luât luân lý hay pháp chế uy quyền nào; vì họ cho râng nếu có luật, có người khác can thiệp vào, có luân lý, có Thượng đế, thì họ không có tự do.
Có người lại cho, nếu có những vấn đề trên như luật luân lý…thì con người sẽ trở thành nhu nhược, không phải là người hùng. Nên họ trở thành những con người tự do nhưng đó là “cô đơn”.
II. Con người “tự do” là cô đơn.
Vậy cô đơn là gì? Theo nghĩa thông thường thì cô đơn là trạng thái thiếu vắng, đơn độc, lẽ loi. Còn theo các triết gia hiện sinh: “cô đơn là mình bị tha nhân xem như một “tha thể”, ngang hàng với sự vật, bị tha nhân dòm ngó, thôi miên, cô đơn là khi bị cắt đứt thông giao “ái tình” bị rạn nứt, tôi và tha nhân có quan hệ “chủ thể”và “đối tượng”. Tôi xem tha nhân như con mèo, hòn đá, cây cối…
Tóm lại: cô đơn là trạng thái thiếu vắng, bị bỏ rơi cắt đứt thông giao tâm lẫn sinh lý.
Vậy tại sao tự do mà lại còn cô đơn? Cô đơn ở đây được hiểu theo nghĩa nào? Đó là những vấn nạn mà cuộc sống đòi buộc ta phải trả lời, nếu không thì chính ta cũng đang còn sống trong sự tự do mà không khéo cũng rơi vào tình trạng cô đơn mà mình không hay.
Chính vì lẽ đó mà có một số triết gia cho rằng, con người không có tự do vì tự do đi ngược lại nguyên lý tất định. Mà đã có tất định thì con người không tự do, mà không tự do là “cô đơn”.
1. Tâm lý.
Theo các nhà tâm lý: “tự do là tính chất con người làm chủ lấy mình, không bị lệ thuộc vào bất cứ ai hay một cái gì, là khả năng làm bất cứ điều gì mình muốn”. Hay theo một nghĩa hẹp thì “tự do là khả năng lựa chọn mà không bị chi phối bởi một áp lực nào như một dục vọng, đam mê, cảm xúc nào”.
Vd: Một con người bên ngoài có “vẽ tự do”, thế nhưng bên trong biết đâu tâm hồn lại cô đơn. Tại sao lại như vậy? Thưa nếu như một người vợ hay một người chồng khi còn sống bên nhau đôi lúc cảm thấy mình không được tự do… thế nhưng khi đi xa ta mới thấy được người đó cô đơn như thế nào, một sự bồn chồn, một sự thiếu vắng, một sự đơn điệu, nhất là khi thiếu vắng tình yêu.
Qua đó cho thấy sự cô đơn vế tâm lý, nó tiềm tàng, nhưng lại là một sự “cô đơn” giữ dội nhất cuả một người vợ, người chồng khi phải xa nhau, hay khi bị cắt đứt mọi thông giao.
Nếu như vậy những người “bị tù” thì sao?
Thiết nghĩ, họ là những người vừa “cô đơn” nhưng cũng vừa mất “tự do” .
Vd: Một người bị cưỡng chế vào tù, như các thánh chẳng hạn thân xác mất tự do vì bị tù đày, nhưng tâm hồn họ hoàn toàn tự do.
2. Triết lý.
Tại sao con người tự do mà lại cô đơn? Thưa vì triết hiện sinh, quá đề cao tính chất độc đáo của mỗi cá nhân, nên tự do mà hiện sinh đưa ra dễ rơi vào tự do cá nhân. Vd. Như triết thuyết của Sartre, chưa nhận thức đủ về giá trị của sinh hoạt xã hội. Sartre luôn nói đến trạng huống, hoàn cảnh... nhưng thực ra ông coi con người như sinh hoạt ở đâu đó xa xã hội loài người.... đối với Sartre hình như không có tha nhân, mà chỉ có tha thể, tha vật. Con người của (Sartre) không sống với những con người khác. Con người Sartre không bao giờ giao tiếp với chủ thể tính của tha nhân. Chính từ chổ cắt đứt thông giao này mà tự do của Sartre đã rơi vào hố của "cô đơn" ông coi tha nhân là địa ngục.
Vì con người của Sartre không thực sự tại thế: sao vậy? Vì theo các nhà hiện sinh khác như K.Jaspers và Marcel cho " hiện sinh là triết của con người tại thế". Chính vì thế mà con người đó "cô đơn" như thượng đế của Aristote; con người của Sartre không sống trong vạn vật, nhưng tất cả là do dự phóng của con người mà có. Thật vậy Sartre đã cô đơn hóa con người.
Tóm lại: Sartre có một thái độ ngông cuồng tự do đến nỗi chủ trương không có Thượng đế, ông cho mình có tự do tuyệt đối, để muốn nghĩ gì thì nghĩ, muốn dùng cuộc đời mình làm chi thì làm. Ong thường nói. Con người tự tạo ra con người là gì? (nghĩa là trên đời này chỉ có mình Sartre, không có tha nhân thì cũng không biết đến Thượng đế). Vì có Thượng đế nên tôi mất tự do cho nên ông đã phủ nhận.
Sartre còn cho con người là "một điều vô dụng bất thành". Nhưng sự bất thành, sự thất bại đó như thế nào? Thưa, vì theo ông con người không thể hướng tới tuyệt đối mà không bị vong thân. Thành ra kiếp sống con người là một kiếp sống đơn độc và đen tối nhất.[13]
Vì lẽ đó mà tự do của Sartre là một sự tự do cô độc. tức là một sự tự do trần trụi, không có tính khẳng định, không gắn với cài gì hết, không bắt buộc phải làm gì hết, từ bỏ mọi sự quy định dù đó là gì.[14]
Nói thế không có nghĩa là, cái gì Saretre chủ trương cũng xấu cả, mà ta phải nói rằng, với sartre cũng có những điều tốt như: Sartre đã đề cao tự do của con người và nhấn mạnh đến tinh thần trách nhiệm, chống lại mọi thứ tất định, mọi hèn nhát, hành vi tự do vượt qua mọi động lực chi phối nó và không thể bị lệ thuộc vào bất cứ hoàn cảnh nào.
Tự do con người là linh động: con người phải tự do tranh đấu chống mọi ách nô lệ do cá nhân hay đoàn thể tròng vào cổ mình.
Nhưng với Nietsche con người phải là một con người cao thượng, dám tự chủ, sống độc đáo; người tự do của Nietsche là người anh hùng nhất, là người dám sống cô độc, tự chủ, ý chí mãnh liệt.
Thử hỏi ngày nay có được sự hùng cường và cao thượng không? Thiết nghĩ không vì ý chí hùng cường là ý chí con người suy nghĩ và dám suy nghĩ theo những đường lối mới. Làm như thế, người anh hùng sẽ cảm thấy "cô đơn": cô đơn vì số người hùng hiếm; vì những người trung thành với ý chí hùng cường từ nay sẽ sáng suốt nhận định rằng: sống như quần chúng thì được quần chúng truy nhận và tất nhiên có bầu bạn, nhưng sống như quần chúng là trở nên hèn mạt như quần chúng. Chính vì thế mà muốn sống như quần chúng, người đó sẽ hỏng mất cuộc hiện sinh của mình. Sống như mọi người là sống tầm thường, chưa biết sử dụng tự do và nhân vị của mình. Thế nên con người phải dám nghĩ, dám làm, và phải biết hãnh diện vì thấy mình "cô đơn" trong nẻo tư tưởng đó. Nietsche thường coi cô đơn là đức người quân tử, cô đơn tách ra khỏi chổ tầm thường của quần chúng: "người quân tử phải nắm chặt 4 nhân đức: can đảm, nhìn sâu, thiện cảm và cô đơn". Ta coi cô đơn, là một nhân đức đưa ta tới chổ cao thượng. Tất cả những thông cảm với quần chúng đều có thể làm chúng ta trở nên tầm thường như quần chúng. Chính vì thế mà tự do chính là cô đơn. Cô đơn này theo K. Jaspers thì khi con người không có sự thông giao; tức con người cắt đứt mọi thông giao với người khác, nên con người “cô đơn”. Vì thế mà con người cần sống phải có xã hội.
3. Xã hội.
Xét về mặt hành vi xã hội, thì con người còn chịu ảnh hưởng của môi trường xã hội nữa. Nếu như có lần nào đó ta định thoát ra ngoài khuôn khổ thì sự sợ hãi dư luận cũng như sự kiểm duyệt của “siêu ngã” làm ta ngừng bước. Bên cạnh những năng lực tình cảm đó, ta còn phải nói đến những năng lực khác mãnh liệt hơn, tuy rằng ít khi ta biết đến như phong tục, tập quán ta hành động như đã thấy kẻ khác hành động, không suy nghĩ và hầu như cũng không biết rằng, ta có thể hành động cách khác.
Thế là con người mất tự do, trở thành kẻ cô đơn. Hơn thế nữa người ta thường nói con người là một con vật có xã hội tính. Chính vì thế mà con người luôn phải sống với, sống cùng, mà khi con người quá tự do, tự do đến nỗi bị xã hội xa lánh thì con người trở nên con người “cô đơn”. Điều này dễ xải ra trong một tập thể hay một cộng đoàn sống chung với nhau.
Vd: Trong một tập thể chúng ta ít nhiều cũng có một vài kinh nghiệm về vấn đề này. Có những người hoàn toàn tự do thế nhưng sự tự do đó nhiều khi bị tập thể hay cộng đoàn, anh em cô lập, loại trư đây cũng là một sự “cô đơn”. Nói thế “tự do” không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, cũng không phải là một sự lập dị, nhưng là một sự tự do dâng hiến, một sự tự do dấn thân phục vụ, một sự tự do dưới lệnh truyền của bề trên hay người có trách nhiệm, thế nhưng nhiều lúc vẫn bị cô đơn, mất bình an.
Nói xa hơn, có những người ngoài xã hội tự do ăn ngủ, hút hít, trộn cướp, tệ nạn xã hội, chém giết… tự do đó, thế nhưng những người đó lại hết sức cô đơn, vì bị truy nã, tố cáo, vì bị xã hội bỏ rơi ai ai cũng đề cao cảnh giác, đến cả những người thân yêu nhất. Như vậy có cô đơn không? Thưa cô đơn lắm...
Xuyên qua một vài mẫu người như vậy cho thấy con người tự do là cô đơn theo từng hoàn cảnh, cách sống của mình. Hay nói đúng hơn con người cô đơn là con người sống tự do, một sự tự do phóng túng, không làm chủ được cuộc sống của mình nên đã đưa cuộc đời mình rơi vào trong vòng bế tắc cửa xã hội, do đó mà con người “cô đơn” coi đời là phi lý, là thừa thải.
Kết.
Qua những gì vừa nêu trên đây về sự tự do cô đơn, không cô đơn. Cho thấy, con người có được tự do thì con người đó phải là một con người trưởng thành; tức một con người sống có trách nhiệm trong cuộc sống của mình. Ngược lại những con người không sống theo những gì luật dạy, cũng như không có tính luân lý yểm trợ, con người đó sẽ rơi vào sự bế tắc của cuộc đời. Mà bế tắc, chắc chắn một điều con người đó sẽ cô đơn sẽ thất bại trong chính cuộc đời mình. Vì thế tôi nghĩ rằng K. Jaspers đã thật sự thành tâm đi tới cùng đích của tự do hiện sinh, và ông đã gặp gỡ ở tính siêu việt trong chính chổ thất bại của tự do: hiện sinh đã làm ta chạm trán với siêu việt trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là trong những hoàn cảnh, giới hạn.
Trong sinh hoạt hằng ngày: tự do hiện sinh là tự quyết và tự chọn cho mình ngày một hoàn hảo hơn. có thể nói ưu điểm đáng để ý nhất của Jaspers là lay tỉnh con người, bắt nó tự ý thức về trách nhiệm làm người cho ra người. Những trang ông viết về hiện sinh nhất là về tự do tính và thông giao, đây là điểm có giá trị nhất. Chính Jaspers đã giúp chúng ta nhận thức khả năng tự do của ta, đồng thời ý thức về tình trạng bi đát của tự do bị giới hạn là thứ tự do của thân phận làm người. Tự do vừa là chổ tự kiêu của chúng ta, vì tự do là căn bản của hiện sinh; chính tự do đưa chúng ta vượt xa trên vạn vật. Nhưng tự do cũng là mối lo ngại vô cùng của một nhân vị tự ý thức, sống không phải lối, tự do sẽ trở thành phi lý và sẽ dẫn ta xuống hố hư vô và “cô đơn”.
Những nhân vị tự ý thức, phi lý. Theo Jaspers đó là những kẻ khinh người và độc tài, là những kẻ tự khinh mình: những hạng đó tỏ ra chưa vươn tới bình diện của nhân vị hiện sinh. Họ coi tha nhân là sự vật. Như vậy chính họ đã từ chối sự thông giao, mà từ chối sự thông giao thì họ trở thành kẻ “cô đơn” như Nietzche và J. Sartre.
Hay nói khác đi, những kẻ cô đơn là những kẻ có thái độ anh hùng của hiện sinh; vì anh hùng này không cần tới người khác trong một cộng đồng nào cả, và cũng không hy vọng vào vinh quang sau khi chết. đứng trước con người anh hùng dám can đảm sống “cô đơn” với mình như vậy, có người nghĩ rằng: họ anh hùng được như vậy là vì tính tự nhiên của họ đã hoà hiệp sẵn; người khác lại nghĩ rằng, đó là vì họ đã được hấp thụ bởi một truyền thống, do cộng đồng, xã hội sơ khai di truyền lại. Nhưng trong trần gian này ý thức họ không gặp được một cái gì đáng tín nhiệm cả. Nhưng không vì vậy mà thái độ anh hùng ấy bị mai một đi trong hư vô, mà nó đã bám rễ sâu trong Thiên Chúa.
[1] Gaudium et Spes Số 17.
[2] Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam; sự thật Hà Nội, in lần thứ hai 1974, P.23.
[3]xem Ford, Criminal responsibility and Cantholic thought trong Bul, letin of the guild pf catholic psychiatricts, 3 (1953),P. 3-22).
[4] Rm 7,19.
[5] x. fouillé, la liberté et le déferminisme, Alcan,pari).
[6] Hiến chế Gaudium et spes của công đồng vatican II (số 17).
[7] Tạp chí Lavie spir, oct. 1951, P. 303.
[8] M. oraison, Devant lillusion et langoisse, pari, 1958, P. 168.
[9] Ga 5,13.
[10] Mouroux, Sd, P.162.
[11] Sens chrétien de lhomme, P.159).
[12] xem De beatitudinibus, VIII, PG. XLIV, 1296-1297.
[13] Trần Thái Đỉnh, Triết lý hiện sinh, Nxb văn học năm 2005.
[14] Nd, Huyền Giang, Các triết thuyết lớn. Nxb thế giới Hà nội, năm 1999, P 166.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét