Nỗi niềm xa xứ

Thủy

Thủy

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

BÍ TÍCH HÔN NHÂN LÀ THÁCH ĐỐ TRONG XÃ HỘI HÔM NAY


DẪN NHẬP
Như chúng ta biết trong bảy Bí tích của Giáo hội, Bí tích Hôn Nhân được coi là “sinh sau đẻ muộn” mặc dầu có thể nói, hôn nhân là thể chế cổ kính nhất trong nền văn hóa nhân loại.
Thật vậy, phải đợi đến thế kỷ XII, Giáo hội mới chính thức công nhận đặc tính bí tích của hôn nhân sau một thời gian dài tranh cãi giữa các nhà thần học và Giáo luật về yếu tố làm cho hôn nhân bất khả phân ly: sự ưng thuận (consensus) hay là việc kết hợp thân xác (copula). Mãi đến Giáo hoàng Alexander III (1159 – 1181), cuộc tranh luận mới đi đến chỗ chín muồi khi ngài bày tỏ ý kiến của mình trong lá thư gởi cho Giám mục Brixen. Theo đó, sự ưng thuận mà hai người phối ngẫu tỏ bày cho nhau (consensus) là yếu tố làm cho cuộc hôn nhân thành sự (matrimonium ratum), và việc hiến trao thân cho nhau giữa hai người phối ngẫu (copula) là yếu tố làm nên đặc tính bất khả phân ly của hôn nhân (matrimonium consumatum).
Sự công nhận muộn màng như thế như nói lên rằng, Bí tích Hôn Nhân luôn đối diện với bao thách đố. Trước tiên, người ta nại đến đặc tính thánh thiêng của bí tích để khước từ tính bí tích của hôn nhân, bởi hôn nhân liên hệ đến giao hợp tính dục. Trong những thế kỷ đầu thời Trung Cổ, mặc dầu Giáo hội vẫn luôn coi việc sinh sản của hôn nhân là phúc lành của Thiên Chúa, nhưng phần lớn các nhà lãnh đạo Giáo hội đều coi đức đồng trinh trọng hơn hôn nhân. Chính vì thế mà ta cần phải khám phá lại nguồn gốc, ý nghĩa, và nhất là, bước vào hậu bán thế kỷ 20 và tiền bán thế kỷ 21, Bí tích Hôn nhân lại tiếp tục đối diện với thách đố mới, không là về tính bí tích có nơi hôn nhân hay không, nhưng là tìm cách loại trừ đặc tính bí tích ra khỏi hôn nhân. Để được sáng tỏ phần nào bản thân xin được mạo muội trình bày một vài suy nghĩ dưới đây, mong được giáo sư hướng dẫn nhiều hơn.

I. BÍ TÍCH HÔN NHÂN LÀ GÌ?
Hôn nhân trong Hán Việt: “Hôn nhân là việc cưới vợ, gả chồng cho con cái”. Định nghĩa như thế là vì ngày xưa việc cưới vợ, gả chồng thường do sự xếp đặt của cha mẹ
 Ngày nay, hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, tạo nên với nhau “một sự thông hiệp trong cả cuộc sống” với mục đích “hướng về thiện ích của đôi bạn và sinh sản, cùng giáo dục con cái”[1].
Giữa hai người đã rửa tội, hôn nhân được Chúa Kitô nâng lên hàng Bí tích. Bí tích ấy thánh hoá mối giao ước của hai người nam nữ Kitô hữu, ban cho họ ơn sống chung trong tinh thần Chúa Kitô.

1. Nguồn gốc và ý nghĩa của bí tích Hôn nhân
Lm. Đa minh Nguyễn Đức Thông, trong cuốn “Đường Tình Ta Đi” đã viết; “Nguồn gốc hôn nhân rất mơ hồ, mơ hồ y như nguồn gốc của con người. Chính vì thế mà cho đến thời đại ngày hôm nay vẫn còn có những thắc mắc chưa được giải đáp cách thoả đáng là không biết nhân loại đã khởi sự với một cặp nguyên tổ hay với nhiều cặp, và hôn nhân ấy bằng một sự thuỷ chung hay chung chạ bừa bãi, bằng chế độ đa thê hay một vợ một chồng, bằng chế độ mẫu hệ.
Thế nhưng trong các nền văn hoá tiền sử và cổ đại, dù vĩnh viễn hay tạm thời, do nam giới hay nữ giới chủ động, cưới vợ lấy chồng cho bộ lạc hay cho cá nhân, hôn nhân vẫn luôn luôn là một tập tục xã hội để xác định các mối tương quan giữa các giới tính, để thiết lập các quyền lợi và trách nhiệm của cha mẹ, và con cái, để tạo nên những gắn kết và kế tục trong xã hội. Vì các mối tương quan xã hội quan trọng như thế, nên các tập tục hôn nhân vây quanh và bảo vệ cho các mối tương quan ấy thường rất được coi là thánh thiêng, và theo nghĩa rộng ấy thì đó cũng là những mối tương quan có tính tôn giáo”.[2]

1.1. Kinh Thánh nói gì về bí tích hôn nhân?
* Cựu Ước:
Người ta biết rằng, Sách Sáng Thế Ký có hai trình thuật nói về tạo dựng con người đầu tiên, theo hai truyền thống khác biệt nhau : Truyền thống Giavít (thê kỷ 10 trước CN) và truyền thống Tư tế (thế kỷ 6 trước CN).
Trong truyền thống Tư tế [3], người nam và người nữ được dựng nên cùng một lúc, chứ không phải kẻ trước người sau ; một tương quan được nảy sinh giữa “là người nam và người nữ” và “là hình ảnh của Thiên Chúa”: “Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Người, người nam và người nữ, Người dựng nên họ”. Ở đây, tính cứu cánh đầu tiên của sự kết hợp giữa người nam và người nữ là sinh sôi nẩy nở và tràn đầy mặt đất.
Trong truyền thống Giavít [4], người nữ được rút ra từ người nam; việc dựng nên hai giới tính được xem như một phương thuốc cho sự cô đơn (người nam ở một mình thì không tốt . Ta phải làm cho nó một trợ thủ xứng hợp với nó). Dấu nhấn trước tiên không được đặt trên nhân tố sinh đẻ, nhưng là trên nhân tố kết hợp (Người nam gắn bó với vợ mình và họ trở nên một xương thịt). Mỗi người tự do trước giới tính của riêng mình và giới tính của người kia: “Cả hai đều trần truồng, người đàn ông và vợ mình, và họ không thấy mắc cở trước mặt nhau”.
Trong hai văn bản không có lệ thuộc của người nữ vào người nam. Trước khi phạm tội, cả hai người đều bình đẳng với nhau, ngang hàng với nhau tuyệt đối, cho dù theo như trong truyền thống Giavít, khởi đầu từ người nam.
Cách giải thích thuyết phục nhất về lý do tại sao Thiên Chúa “can thiệp” để phân biệt hai giới tính của hai người. Nhà thơ, Paul Claudel đã viết: “Kẻ kiêu căng nầy : không có cách gì khác làm cho nó hiểu được người lân cận, làm cho nó vào sâu trong da thịt. Không còn cách nào khác làm cho nó hiểu sự phụ thuộc vào nhau, sự cần thiết và nhu cầu, một người khác trên nó, luật lệ trên nó của hữu thể khác biệt ấy chẳng vì lý do nào khác ngoài lý do nó hiện hữu”[5]. Chính vì thế, “Anh em không còn đủ cho chính mình nữa. Anh em cần đến em anh, cần đến hữu thể của em anh”.
- Những điều con người thực hiện
Kinh Thánh là một cuốn sách của Thiên Chúa và con người, vì Kinh Thánh mô tả sự trung thành của Thiên Chúa và sự bất trung của con người; không chỉ qua chủ thể tả lại, mà còn qua đối tượng của Sách Thánh. Điều đó được nhận diện cách đặc biệt khi ta so sánh kế hoạch của Thiên Chúa về Hôn Nhân và Gia Đình với việc cụ thể trong lịch sử dân riêng.
Trong Sách Sáng Thế, ta đã thấy Lamech, con của Cain, vi phạm chế độ một vợ một chồng khi lấy hai vợ. Ông Noê cùng với gia đình dường như là một ngoại lệ giữa sự thối nát chung ở thời đại ông sống. Chính các tổ phụ Abraham và Giacóp cũng có những con cái từ nhiều bà vợ. Môsê cho phép thực hành ly dị. Đavid và Salomon có cả một đoàn cung phi, tì thiếp hùng hậu.
Nhưng Cựu Ước, coi hôn nhân như “một cấu trúc quyền bính theo kiểu gia trưởng, chủ yếu để làm cho bộ tộc tồn tại mãi. Chính trong ý nghĩa nầy mà ta phải hiểu việc thành lập tộc Lêvi [6], lập ra việc lấy vợ lẽ [7] và chế độ đa thê tạm thời. Lý tưởng của một sự hiệp thông trong đời sống giữa người nam và người nữ, đặt nền tảng trên tương quan cá nhân và lẫn nhau không bị bỏ quên, nhưng bị đặt xuống hàng thứ yếu sau lợi ích của con cái.
Thế nên, người phụ nữ trong sách Châm Ngôn: “Tìm đâu được người đàn bà…Nàng qúy hơn châu ngọc…” [8]. Lời ca tụng nầy hoàn toàn là theo ý người đàn ông. Kết luận là : phúc thay người đàn ông nào có được một người vợ như thế! Nàng dệt cho ông những y phục đẹp đẽ, làm cho nhà cửa của ông danh giá, làm ông nở mặt nở mày với bạn bè. Tôi không tin rằng các phụ nữ ngày nay sẽ phấn khởi vì lời ca tụng nầy.
Các tiên tri, đặc biệt là tiên tri Ôsê, Isaia và Giêrêmia, đã đóng một vai trò quan trọng khi đem ra lại ánh sáng kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa về hôn nhân. Với việc nhìn nhận sự kết hợp của người nam và người nữ là sự tượng trưng cho giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Người, một cách gián tiếp, các tiên tri nầy đặt lại ở vị trí hàng đầu những giá trị của tình yêu, của sự trung thành và sự không thể chia lìa, vốn là đặc trưng nơi thái độ của Thiên Chúa đối với Israel. Tất cả các giai đoạn và những sự thăng trầm của tình yêu vợ chồng được gợi lên và được sử dụng trong mục đích nầy: sự say đắm của tình yêu thời kỳ chớm nở trong đính hôn;[9] niềm vui tròn đầy ngày tiệc vui thành hôn;[10] bi kịch đổ vỡ;[11] và cuối cùng sự tái sinh đầy tràn hy vọng của tình xưa nghĩa cũ.[12]
Tiên tri Malakia chỉ cho thấy những ảnh hưởng có lợi mà thông điệp tiên tri có thể đem đến cho hôn nhân con người và nhất là cho thân phận người phụ nữ. Tiên tri viết:” Đức Chúa là chứng nhân giữa anh và người nữ thời trai trẻ của anh, mà anh đã phản bội, mặc dầu nàng đã là bạn trăm năm của anh và là người phụ nữ giao ước của anh. Chẳng phải đã là một hữu thể duy nhất, có xương thịt và hơi thở sự sống? Và hữu thể duy nhất nầy, nó kiếm tìm điều gì? Một hậu duệ mà Thiên Chúa ban cho! Hãy tôn trọng đối với cuộc đời anh và người vợ thời trai trẻ của anh, chớ phản bội nàng!”[13]
Chính dưới ánh sáng của truyền thống tiên tri nầy mà thích hợp cho việc đọc Sách Diễm Ca. Nó tượng trưng cho sự tái sinh nhãn quan hôn nhân như là sự hấp dẫn lẫn nhau, như eros, như niềm say mê của người nam trước người nữ cũng là niềm say mê của người nữ trước người nam.
 Tuy nhiên vẫn có những nét tiêu cực về hôn nhân trong Cựu Ước do hiểu sách Sáng Thế theo nghĩa đen, chứ không coi đó là một áng thơ huyền thoại đích thật, các Giáo Phụ đã coi hôn nhân và giới tính như kế hoạch của Thiên Chúa. Nhờ đó mà Adam, Evà có được sự kết hợp, hài hoà mà không cần đến giới tính, hệt như vô số thiên thần vậy. Nghĩ như thế, nên các Giáo Phụ đã giải quyết các vấn đề hôn nhân và giới tính trong một bầu khí khá tiêu cực.[14]

* Tân Ước
Hôn nhân tượng trưng cho việc Ðức Kitô kết hiệp làm một với Giáo hội của Ngài, và nhờ thế mà được thông phần vào mầu nhiệm của Ngài: đó chính là điều làm nên phẩm chất cao quý của hôn nhân. Nói cách khác, Tân Ước cho thấy hôn nhân hàm chứa một khía cạnh giáo hội học, vì thế, có quan hệ với mầu nhiệm cứu độ. Nhưng Tân Ước đã không mang lại một yếu tố hỗ trợ nào cho ý niệm bí tích, hiểu theo kiểu Kinh viện.
Dù sao thì cũng cần phải nêu bật chiều kích thần học sâu xa của hôn nhân, bởi nó có sứ mạng biểu trình cho sáng tỏ và cụ thể thực trạng Ðức Kitô kết hiệp với Giáo hội Người. Hơn nữa, khi Ep 5 đưa ra hình ảnh đối chiếu giữa một bên là Ðức Kitô với Giáo hội và bên kia là người nam với người nữ, là để nói lên ý niệm về giao ước, được nhắc đến rất nhiều lần trong Cựu Ước. Ítraen là hôn thê của Giavê. Tân Ước vì Giáo hội như là hôn thê của Ðức Kitô. Cả hai Giao Ước đều lấy hôn nhân làm biểu trưng cho mối liên hệ giữa dân được chọn và Thiên Chúa. Vì thế, hôn nhân hàm dung một đòi hỏi được ghi khắc sâu đậm nơi chính mình: đòi hỏi phải sống trung thành, tận tụy dấn thân cho nhau trong tình yêu… Như Ðức Kitô và Giáo hội không bao giờ tàn úa, cũng vậy, tình yêu thương vợ chồng phải mãi mãi trung thành và kiên trì bền vững. Tuy nhiên, ta cần bàn đến giáo huấn của Tân Ước về hôn nhân, tất cũng phải nói tới tính chất bất khả phân ly của hôn nhân. Trước tiên, có thể hiểu tính chất bất khả phân ly ấy như là giới luật hay như là tiêu đích phải đạt đến. Dường như các văn bản Phúc âm liên quan đến điểm này, đều hiểu theo nghĩa tiêu đích hơn là giới luật. Lý do là vì trong đoạn Mt 19:1-9, Ðức Giêsu muốn ám chỉ tới trật tự tạo dựng khi nói: “Các ông đã không đọc thấy lời này sao: Thuở ban đầu, Ðấng Tạo Hóa đã dựng nên con người có nam có nữ”? Ngài phủ nhận việc ly dị không phải là vì có một giới luật ghi sâu trong tính chất bí tích của hôn nhân, nhưng là vì muốn căn cứ đúng theo trật tự trong công trình tạo dựng. Ðây là lý tưởng “địa đàng” chứ không phải là một giới luật thiết định phát xuất từ bí tích. Mặt khác, cách giải thích lời Ðức Kitô như là một tiếng mời gọi cần phải lưu ý đến luật tự nhiên cũng còn nằm trong vòng bàn cãi và chưa giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra; bởi vì văn bản Sách Sáng Thế phải được đọc theo văn loại của nó, chứ không phải là theo não trạng và những phạm trù kinh viện. Vì vậy, nhận định sau đây của H. Baltensweiler xem ra không có gì là quá đáng: nếu là bất khả phân ly, thì cũng không có nghĩa hôn nhân là một đơn vị hữu thể (siêu hình) tuyệt đối không thể phân rẽ đi được. Ngoài ra, cũng đừng quên rằng điều Ðức Giêsu muốn trực tiếp nói lên là nam và nữ đều có quyền như nhau và ngang nhau trong hôn nhân, tức là người nam không được phép rẫy bỏ vợ mình “vì bất cứ lý do nào”. Ðiều đó còn nói lên bổn phận hỗ tương của vợ và chồng, bổn phận sống trung thành với tình yêu đã đoan ước.
 Thế nhưng ta cũng phải thú thật một điều là: Tân Ước, khi nói tới hôn nhân, cũng có những nét tiêu cực, vì chính Tân Ước đã trích dẫn rất nhiều như thể cho thấy Ngộ giáo là đúng! Ví dụ, Chúa Giêsu là một người độc thân. Mẹ Ngài cũng là một trinh nữ. Người anh em họ hàng đi trước dọn lối cho Ngài cũng là độc thân. Người tông đồ thừa sai nổi tiếng nhất của Ngài không có vợ. Rồi khi được hỏi về hôn nhân và sự sống lại, Chúa Giêsu  bảo rằng trên trời người ta sẽ không dựng vợ, gả chồng, mà sẽ như các thiên thần vậy. Ngài còn quả quyết rằng ai bỏ nhà cửa, vợ con vì Ngài sẽ được thừa hưởng sự sống đời đời. Thực ra, khi ca ngợi hôn nhân, Chúa Giêsu đã trích dẫn những lời trong sách Sáng Thế, nhưng đó lại là những lời Ngộ Giáo không đếm xỉa gì tới.
Thánh Phaolô thì bảo: nếu người ta thật sự phải lập gia đình, thì thôi cũng được còn hơn là bị thiêu đốt, nhưng sống độc thân vẫn hơn.[15]

1.2. Các Thánh Giáo Phụ nói gì về hôn nhân
Như chúng ta đã biết, dưới thời các Giáo phụ, hôn nhân là do chính quyền thiết lập vì sau thời các tông đồ, Hội thánh vẫn chưa tham dự vào các cuộc hôn nhân của các Kitô hữu và vẫn chưa có một nền phụng vụ nào đối với hôn nhân cả, nên các Giáo Phụ tiên khởi đã không bình luận về hôn nhân. Tuy nhiên, ở vào những thế kỷ đầu, các Giáo Phụ đã bị những áp lực trong vấn đề hôn nhân như: Quan niệm sai lầm về vấn đề hôn nhân, coi việc ăn nằm, giao hợp trong đời sống vợ chồng là một chuyện xấu xa. Thân xác là tội lỗi, là nhà tù giam hãm linh hồn…
Thế nhưng, vào khoảng năm 110, Thánh Ignatiô thành Antiôkia, trong thư gửi cho thánh Pôlicarpô, đã viết: “những ai lập gia đình phải có sự đồng ý của đức giám mục giáo phận, để bảo đảm rằng họ đang kết hôn theo ý Chúa, chứ không phải để thoả mãn nhục dục”.[16]

2. Ý Nghĩa Hôn Nhân Ki-tô Giáo
Đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, bạn trẻ nào cũng ấp ủ rất nhiều mộng ước. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng hôn nhân hiện nay, nhiều người không khỏi băn khoăn lo lắng. Thật vậy, đời sống hôn nhân ngày càng đối diện với nhiều thách đố. Những thách đố ấy có thể đến từ xã hội, từ môi trường sống, hoặc có khi từ chính bản thân đôi bạn. Khám phá lại ý nghĩa hôn nhân Ki-tô giáo giúp những người đã, đang và sẽ tiến bước trong hành trình hôn nhân xác tín hơn vào ơn gọi của mình…

2.1. Hôn nhân, Giao ước tình yêu
Đến với hôn nhân, hai người nam nữ hoạ lại tình yêu của Thiên Chúa và Hội thánh. Đó là điều mà thánh Phaolô gọi là ‘mầu nhiệm cao cả’. Bước vào đời sống hôn nhân, đôi bạn bước vào một giao ước, đó là giao ước tình yêu: “Hôn nhân không chỉ như một hợp đồng dân sự, nhưng là một giao ước tình yêu giữa người nam và người nữ. Giao ước này bền vững suốt đời”. Như thế, do tính bền vững và độc hữu của giao ước hôn nhân, đôi bạn phải trung thành và dấn thân cho nhau cách trọn vẹn trong suốt cuộc đời. Sự dấn thân đôi bạn dành cho nhau đạt đến mức trọn vẹn và thâm sâu nhất qua việc kết hợp tính dục của đời sống vợ chồng.
Lời cam kết mà đôi bạn trao cho nhau trong ngày cưới: hứa trọn đời chung thuỷ, hứa yêu thương suốt đời phải được diễn tả qua việc trao hiến và đón nhận nhau cách vô điều kiện. Một khi trao lời kết ước, “họ muốn hôn nhân của mình luôn tràn đầy tình yêu và hạnh phúc. Họ muốn có một gia đình. Gia đình ấy phải là nguồn vui và trọn vẹn suốt cuộc đời”. Là người Ki-tô hữu, giao ước tình yêu của đôi bạn trước mặt Hội thánh trở thành một bí tích. Qua bí tích tình yêu này, đôi bạn không còn là hai nhưng đã trở nên một. Hơn nữa, đôi bạn được Thiên Chúa ban ân sủng và sức mạnh để tiến bước trên hành trình hôn nhân của mình. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa và tình yêu dành cho nhau, đôi bạn có thể vượt thắng những khó khăn, những đe doạ và thách đố không mấy thuận tiện từ môi trường sống ngày nay.

2.2. Đôi bạn- cộng tác viên của sự sống
Cam kết bước vào đời sống hôn nhân cũng có nghĩa là đôi bạn nói lời xin vâng với Thiên Chúa trong việc trở thành cộng tác viên của sự sống. Vì trong hôn nhân, Thiên Chúa kết hợp hai người nam nữ, để khi thành “một xương một thịt”, họ có thể truyền lại sự sống cho con người. Khi mở lòng đón nhận con cái là họ được cộng tác với Thiên Chúa và tiếp nối công cuộc sáng tạo của Người: “Khi truyền lại sự sống con người cho dòng dõi mình, người nam và người nữ với tư cách là vợ chồng và cha mẹ, cộng tác một cách độc đáo vào công trình của Đấng Sáng Tạo”.
Tự bản chất, giao ước hôn nhân tình yêu vợ chồng hướng đến việc sinh sản con cái. Công đồng Vatican II đã xác quyết điều này khi dạy rằng: “Yêu nhau với tình yêu hôn nhân mà lại cố gắng ngăn cản việc sinh sản con cái đấy là điều mâu thuẫn. Trái lại, muốn có con mà không chịu yêu nhau thì không xứng hợp với phẩm giá con người. Tự hiến cho nhau, nhưng cùng một lúc loại trừ khả năng cao quý nhất của mình là khả năng làm cha làm mẹ, có phải tự hiến mình trọn vẹn không? Có phải yêu thật không?”. Thật vậy, con cái chính là kết quả và là dấu chỉ của tình yêu vợ chồng, là lời chứng sống động cho sự trao hiến trọn vẹn cho nhau giữa đôi bạn. Nơi người con, mỗi người nhìn thấy hình ảnh của chính mình cũng như hiện thân của người bạn đời.

II. NHỮNG THÁCH ĐỐ VỀ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH
Chính Thiên Chúa liên kết đôi vợ chồng nên một, như Chúa Kitô và Giáo Hội. “Tình yêu vợ chồng đích thực được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa, được hướng dẫn và thêm phong phú nhờ quyền năng cứu chuộc của Chúa Kitô và hoạt động cứu rỗi của Giáo Hội” [17].
Thế nhưng giá trị cao đẹp của Bí tích hôn nhân Kitô giáo đang đối diện với bao thách đố của thời đại ngày hôm nay, những thách đố nhằm gạt bỏ giá trị cao đẹp của hôn nhân và nhất là loại bỏ đặc tính bí tích ra khỏi cấu trúc hôn nhân, để rồi hôn nhân đơn thuần chỉ là một cuộc “ăn ở” của hai người thích nhau. Những thách đố đó nảy sinh từ một ý thức hệ văn hóa bị chi phối bởi cuộc cách mạng tình dục trong thế kỷ qua, và nhất là bị ảnh hưởng bởi một lối sống “thực dụng” hưởng thụ. Ngoài ra, những thách đố này còn phát sinh từ những sự thay đổi sâu xa về xã hội, cuộc khủng hoảng lớn về kinh tế, nhất là cuộc khủng hoảng lớn về cuộc sống gia đình. Chính vì những cuộc khủng hoảng đó mà kiểu mẫu gia đình hôm nay gặp phải những khó khăn.

1. Thách đố về “mẫu” gia đình mới. Không ngần ngại gì vì ngày hôm nay, người ta thường nói đến một “mẫu gia đình mới”. Từ ngữ “gia đình” được nhiều lần nói đến và người ta có khuynh hướng nói đến một khái niệm mới về hôn nhân. Càng ngày người ta càng rời xa khái niệm hôn nhân là một cuộc sống chung giữa hai người khác phái. Hôn nhân được định nghĩa trong một khái niệm về một “mẫu gia đình mới”. Người ta nói về “gia đình với một người hoặc cha hoặc mẹ” (một mình nuôi dưỡng con cái), về “cuộc sống chung không cần hôn thú”, về “gia đình đồng giới tính”. Những dạng thức gia đình nầy được gọi là “kiểu mẫu mới”. “Gia đình kiểu mẫu mới” nầy qủa thật là hư ảo và phá vỡ khái niệm đúng đắn của hôn nhân.
Khi nói đến “gia đình với một người hoặc cha hoặc mẹ”, người ta đã tự mâu thuẫn với chính mình. Bởi đứa trẻ không thể xuất hiện chỉ do một yếu tố duy nhất hoặc cha hoặc mẹ, nhưng nó đòi hỏi phải có cả hai. Từ quan niệm thô thiển nầy, người ta nói đến một “gia đình với hai người đồng phái tính” (homosexuelle). Người ta đã phá hủy ý nghĩa đích thực về khái niệm gia đình. Gia đình được hiểu không gì khác hơn là một sự nối kết bởi hai con người mà không có một sự “khác biệt đặc biệt” nào. Sự lầm lạc nầy mang lại nhiều trục trặc, đặc biệt đối với con cái. Qủa thật, con cái đa phần phải hứng chịu nhiều bất hạnh, chúng như là những tế vật đầu tiên cho “kiều mẫu gia đình mới nầy”. Chính vì kiểu mẫu gia đình mới này đã dẫn đến những bất ổn trong đời sống chung.

2. Thách đố về đời sống chung. Đời sống chung chính là một cuộc sống hôn nhân không phân biệt giới tính (homosexuelle) hay sống chung không cần giao ước hôn nhân. Vấn đề đời sống chung càng ngày càng phổ biến. Và ở một số nước, cuộc sống chung nầy được nhà nước chấp nhận. Người ta đã lầm lẫn tính chất cơ bản về tình yêu như Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định với toà thượng thẩm Rota ở Roma vào ngày 28.1.2002 rằng: Có sự khác biệt cơ bản giữa cuộc sống chung – cuộc sống chung nầy được thực hiện cũng bởi tình yêu nhưng là một tình yêu gỉa dối- và hôn nhân được ký kết bởi một tình yêu chân thật, trong hôn nhân nầy không chỉ nhằm đến khía cạnh luân lý, nhưng còn nhấn mạnh đến trách nhiệm và bổn phận của hôn nhân.
Đời sống chung không những làm phá vỡ nền tảng gia đình mà còn đưa xã hội đứng bên bờ vực thẳm của sa đọa, bất an. Một cuộc sống chung tạm bợ như thế chỉ phát sinh ra những con người ích kỷ vô trách nhiệm, chỉ nghĩ đến hưởng thụ riêng tư. Làm sao một xã hội có thể tồn tại và phát triển khi hôn nhân là một cuộc kết hợp giữa hai người cùng giới tính? Số phận của đứa trẻ ra sao, nếu chúng chỉ là những đứa con nuôi và “cha mẹ” của chúng là những người cùng một giới tính?
Với chủ trương thực dụng, hôn nhân ngày nay đang đối diện với nguy hiểm đầu tiên đó chính là tình trạng mỏng manh, không bền vững, vì bản chất của hôn nhân đã bị hiểu sai lạc. Càng ngày, các bạn trẻ càng có khuynh hướng sống chung với nhau trước khi kết hôn. Thời gian sống chung có khi kéo dài năm đến mười năm. Việc sống chung đã trở thành một sinh hoạt bình thường trong xã hội, và việc đó không được coi như là một hành vi vô luân lý. Hậu qủa là con số trẻ em được sinh ra ngoài hôn nhân càng ngày càng đông; hay con số các vụ phá thai càng ngày càng tăng cao. Có bạn trẻ đã đưa ra nhận xét: “Những trò đùa nam nữ bây giờ không còn là chướng ngại vật nữa. Cháu có cảm tưởng một số bạn gái chẳng ngần ngại gì khi “sống thử” cùng bạn trai. Sau đó họ đưa nhau đi giải quyết “sự cố”, coi như bình thường, không có chuyện gì xảy ra”.[18] 

3. Trách nhiệm của Gia đình. Bị chi phối bởi chủ nghĩa đề cao tự do cá nhân, các thành viên trong gia đình đánh mất dần sự gắn bó với nhau. Những giây phút gặp gỡ chung trong gia đình càng ngày càng hiếm hoi. Cha mẹ suốt ngày bận rộn với công việc làm ăn, giao tiếp xã hội, hội hè, đình đám còn đâu những giây phút xum họp gia đình. Còn con cái, sau những giờ học tập, cũng không còn giờ cho những cuộc tiếp xúc với các thành viên trong gia đình như ông bà, cha mẹ, anh chị em. Các em bận rộn với computer, với truyền hình.… Các thành viên trong gia đình càng ngày càng trở nên cô độc, xa lạ với nhau ngay chính trong mái ấm của mình. Gia đình không còn là nơi để vợ chồng con cái xum họp, chia sẻ như là “một trường học để phát triển nhân tính”.[19] Hình như mái ấm gia đình đã trở thành một quán trọ, vắng bóng tình thương. Hiện tượng nầy có thể được gọi là nguyên nhân gây ra những bất hạnh trong gia đình, đưa đến tình trạng nghiện nghập xì ke, ma túy và hành nghề mại dâm nơi các trẻ vị thành niên. Qủa thật gia đình chỉ có thể là mái ấm, là cộng đoàn yêu thương, là tế bào sống động của xã hội, là suối nguồn của sự sống khi cha mẹ hiểu được lời nhắn nhủ nầy của công đồng Vaticanô II: “Để gia đình có thể sống trọn vẹn và chu toàn sứ mệnh của mình, cần phải biết hoà hợp tâm hồn: Vợ chồng phải cùng nhau bàn định cũng như cha mẹ phải ân cần cộng tác trong việc giáo dục con cái. Sự hiện diện tích cực của người cha giúp ích rất nhiều cho việc đào tạo con cái, nhưng cũng phải làm sao giữ được cho người mẹ vai trò chăm sóc gia đình, vì con cái, nhất là khi thơ bé, rất cần đến sự chăm sóc ấy”.[20]

4.  Thách đố về sự sống hiện nay
- Bị hạn chế bởi sinh đẻ kế hoạch hóa. Do bị ảnh hưởng của trào lưu sống hưởng thụ, người ta ngại sinh con. Con cái trở nên một chướng ngại cho đời sống riêng tư của vợ chồng. Bởi đó, các cặp vợ chồng đã không ngần ngại dùng mọi biện pháp hạn chế sinh nở như ngừa thai, hay phá thai với đủ mọi thứ lý do: không đủ khả năng để chăm lo con cái, kinh tế chưa cho phép, v.v. Hoặc lấy lý do về việc khủng hoảng dân số trên địa cầu để đề ra hoặc khuyến khích kế hoạch hoá việc sinh nở.
Việc kế hoạch hóa sinh nở đã làm cho sự sống của gia đình trở nên cằn cỗi, bởi sự sống chỉ có thể là kết qủa của tình yêu. Hạn chế sinh nở vô trách nhiệm và thiếu ý thức là làm cạn kiệt suối nguồn tình yêu nền tảng của đời sống hôn nhân, biến quan hệ vợ chồng trong hôn nhân trở thành một hành vi hưởng thụ ích kỷ. Sự ích kỷ trong tình yêu không thể nào làm cho đời sống gia đình được phong phú và có sự sống dồi dào được. Việc kế hoạch hóa sinh nở đã làm cho xã hội trở nên gìa nua. Số người gìa đông hơn thanh niên và trẻ em. Đó không chỉ là điểm tiêu cực nhưng còn là điều báo động, nói lên tình trạng bất quân bình trong xã hội và đang đưa xã hội đến chỗ cạn kiệt của nguồn sự sống.
Ngày nay, nhiều quốc gia trên thế giới, và đặc biệt hầu hết các quốc gia Châu âu đã hợp thức hóa tình trạng phá thai, nhất là cho sử dụng thuốc phá thai: “RU 486 Pille” (Miferpriston). Với viên thuốc nầy, người phụ nữ có thể trục thai một cách dễ dàng và đơn giản. Các chính phủ lập luận việc cho phép phá thai là việc làm phù hợp với quyền tự do lựa chọn của người mẹ. Nại đến quyền tự do của người mẹ mà cho phép cướp đi quyền được sống của thai nhi là một việc hết sức bất nhẫn và là một tội ác.[21]
- Chủ thuyết ưu sinh (eugenic).[22] Với sự phát triển đáng kể của y khoa về sự hiểu biết sự sống của con người ở những giai đoạn đầu tiền của cuộc sống. Những thành tựu đó xét ra là một điều đáng mừng, vì sẽ đưa ra những phương pháp chữa trị các bệnh lý thích hợp góp vào việc tái lập sự hoạt động bình thường của tiến trình sinh sản. Nhưng tiếc thay, với sự tiến bộ nầy, người ta chủ trương thuyết ưu sinh, có nghĩa là, người ta sẽ loại bỏ ngay những phôi thai nào được xem là không bình thường, có dị tật, hay có bệnh bẩm sinh, và như vậy là xâm phạm đến phẩm giá của con người.

5. Thách đố về vai trò giáo dục của cha mẹ.
Hội nghị giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo về gia đình đã được tổ chức tại Trent, Italia từ ngày 10 - 14 tháng 12/ 2008 với đề tài: “Gia Đình: Một Phúc Lợi Cho Nhân Loại”, cũng đưa ra nhận định:
“Ngày nay, cả đàn ông lẫn đàn bà đều bận bịu như nhau trong việc nhận ra tiềm năng nghề nghiệp của mình, cả hai đều cùng chia sẻ gánh nặng tài chánh của gia đình. Trong các hoàn cảnh như thế, khả thể sinh sản và dưỡng dục con cái đã giảm thiểu một cách trầm trọng. Một hiện tượng hết sức bi thảm đang xẩy ra tại Âu Châu thế kỷ 21. Do việc lương bổng không đủ để nuôi sống gia đình, hàng trăm ngàn các bà mẹ và ông cha đã phải rời bỏ gia đình tới các nước giầu có hơn, hòng có thể chu cấp các nhu cầu căn bản nhất cho gia đình mình. Điều ấy đem lại con số gia tăng các vụ ly dị, gây đau khổ cho biết bao trẻ thơ, khiến nhiều em mất đi tình yêu và sự chăm sóc của mẹ cha. Quan điểm thế tục đang thịnh hành trong xã hội ngày nay thường coi nhẹ quan niệm chức làm mẹ, không coi nó như là một ơn gọi bản thân. Nó thường bị đánh giá thấp. Chúng tôi, người Chính Thống cùng với người Công Giáo, xin nhấn mạnh tới tính thánh thiêng của chức phận làm mẹ và việc xã hội phải tôn trọng tính thánh thiêng ấy. Các bà mẹ chọn ở nhà để chăm sóc và giáo dục con cái cần được nâng đỡ về tinh thần và tài chánh. Sứ mệnh của họ không hề kém quan trọng hơn bất cứ sứ mệnh của ngành nghề đáng kính nào khác. Chức phận làm mẹ là một sứ mệnh, và do đó đáng được sự hỗ trợ và kính trọng vô điều kiện. Ý niệm làm cha cũng là ý niệm nền tảng đối với xã hội và do đó cũng cần được xã hội ngày nay tái khám phá. Không thể nói đến một xã hội huynh đệ mà lại thiếu chức phận làm cha”.[23] 

 III. GIẢI ĐÁP CHO NHỮNG THÁCH ĐỐ TRÊN
1. Tái khám phá lại giá trị của Bí tích Hôn nhân
Hôn nhân Kitô giáo được thiết lập qua hôn ước tình yêu và được thực hiện qua nghi thức Giáo hội giữa hai người nam nữ một cách hợp pháp theo luật định, qua đó bí tích hôn nhân được hiện hữu và được gọi là thành sự với hai yếu tố mà Giáo luật gọi là chất thể (materia) tức việc trao ban (traditio) quyền sống đời hôn nhân (ius ad corpus: quyền trên thân xác) và mô thể (forma) tức việc đón nhận (acceptatio).
Tuy nhiên, việc hiểu biết về Bí tích hôn nhân không chỉ dừng lại ở yếu tố Giáo luật, mà còn cần phải tìm đến căn tính đích thực của Bí tích nầy. Bí tích hôn nhân chỉ ra rằng, đời sống hôn nhân thực sự là “một biểu tượng thật của biến cố cứu độ, nhưng theo cách thế riêng. Đôi bạn dự phần vào đó với tư cách là đôi bạn, là hai vợ chồng, tình yêu ấy nhắm đến một sự hiệp nhất sâu xa về ngôi vị, một sự hiệp nhất, vượt qua sự kết hợp thành một thân xác, đưa đến chỗ chỉ còn một trái tim, một linh hồn; tình yêu ấy đòi hỏi sự bất khả phân ly và sự trung thành trong việc trao hiến cho nhau một cách dứt khoát, mở ngõ cho việc sinh sản [24]. Tắt một lời, đó chính là những đặc tính thông thường của mọi tình yêu vợ chồng nhưng với một ý nghĩa mới mẻ, một ý nghĩa không những thanh luyện và củng cố đặc tính ấy, nhưng còn nâng chúng lên cao đến độ biến chúng trở thành lời diễn tả những giá trị thật sự của Ki-tô giáo”.[25]
Như vậy, việc cử hành Bí tích Hôn nhân không chỉ là lo làm sao cho Bí tích thành sự, nhưng còn phải ý thức được được rằng, đây là hành vi đức tin. “Điều đó có nghĩa là đức tin phải có mặt nơi người cử hành cũng như nơi người lãnh nhận bí tích. Ðiểm này đặt ra một vấn đề mục vụ to lớn, bởi lẽ có quá nhiều người muốn được cử hành hôn phối trong Giáo hội, nhưng họ lại không sống chút gì những đòi hỏi căn bản nhất của đức tin Kitô. Dĩ nhiên, trong những trường hợp như thế, Giáo quyền cần phải tỏ ra nghiêm minh hơn, và yên tâm mà hướng họ về với hôn nhân dân sự, đừng coi đó là việc làm sai trái, bởi lẽ những người này thật ra không phải là tín hữu, tức không phải là những người có đức tin Kitô. Không có lý gì để biến hôn nhân Kitô trở thành một thứ lễ mừng xã hội hay thế tục nhằm thỏa mãn nhu cầu phô trương tự hào của các người thành hôn, hay của gia đình, bà con và bạn hữu họ”.[26]

1.1.  Khám phá giá trị của tình dục trong hôn nhân
Không ít người lầm tưởng tình dục là tình yêu, vì vậy nhiều bạn trẻ nghĩ rằng, để biểu lộ tình yêu thì nhất thiết phải thể hiện hành vi tính dục. Đó là một hiểu lầm tai hại, đã đưa đến bao hậu quả nghiệm trọng ảnh hưởng đến nền luân lý Kitô giáo, bao nhiêu trẻ em chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã bị giết chết vì sự hiểu lầm nầy.
Tình dục chỉ có thể đạt tới mục đích của nó khi nó được thực hiện trong hôn nhân. Mọi hành vi thuộc tình dục ngoài hôn nhân được cho là bất hợp pháp. Do đó, Thánh Phaolô đã không ngần ngại khuyên nhủ: "Đàn ông không gần đàn bà là điều tốt. Nhưng để tránh hiểm họa dâm ô, thì mỗi người hãy có vợ có chồng” [27]. Rõ ràng, theo thánh Phaolô, tình dục là hành vi thuộc đời sống hôn nhân, và chỉ trong hôn nhân, hành vi tình dục mới được bày tỏ mà thôi.
Tình dục không phải là tình yêu, nhưng trong tình yêu phải có tính dục. Tính dục trong tình yêu là một động lực thúc đẩy người ta hướng về nhau (eros) bằng một sự khao khát chiếm đoạt. Chính động lực nầy thúc đẩy hai người nam nữ tìm đến nhau, nhưng đó chỉ mới là khởi điểm của hành trình tình yêu. Cuộc hành trình đó sẽ đạt tới đích điểm khi hai người tự trao hiến chính mình làm quà tặng tình yêu (agape). Sự trao hiến nầy không là một hành vi chiếm đoạt để thỏa mãn, nhưng là “nhắm đến một sự hiệp nhất sâu xa về ngôi vị, một sự hiệp nhất, vượt qua sự kết hợp thành một thân xác, đưa đến chỗ chỉ còn một trái tim, một linh hồn; tình yêu ấy đòi hỏi sự bất khả phân ly và sự trung thành trong việc trao hiến cho nhau một cách dứt khoát và mở ngõ cho việc sinh sản”.[28] “Tình yêu ấy có đặc tính nhân linh cao cả vì từ một nhân vị hướng đến một nhân vị khác bằng một tình cảm tự ý, nhờ đó bao gồm hạnh phúc toàn diện của con người….Do đó, tình yêu vợ chồng vượt xa xu hướng nhục dục thuần túy, và xu hướng này, nếu được tôn thờ một cách ích kỷ, sẽ mau chóng tan biến và kéo theo những hậu quả thảm hại” [29].

1.2.  Xác định lại hôn nhân và gia đình
Có thể nói, gia đình là kết qủa của một khát vọng về sự sống: Sinh tồn và sinh sản. “Tất cả mọi dạng thức của sự sống đều có hai mục tiêu tiên quyết: sinh tồn và sinh sản. Sinh tồn nhắm đảm bảo sự tồn tại cá nhân. Còn sinh sản bảo đảm sự tồn tại của chủng loại. Các động vật không có lý trí, sống theo một chương trình sắp sẵn, do bản năng, để sinh tồn và sinh sản. Cách xử sự của loài vật được điều khiển bởi những phản ứng đối với môi trường theo bản năng hoặc do thiên nhiên sắp xếp sẵn.
Riêng con người bao trùm nơi mình cả hai lãnh vực vật chất và tinh thần. Bởi vì con người cũng mang dạng thức sự sống thấp, cho nên việc sinh tồn và sinh sản nơi con người một phần nào cũng mang tính bản năng. Song nhờ yếu tố tinh thần, con người có thể hiểu được hoạt động bên trong của các tiến trình tự nhiên nầy, nên có khả năng vượt lên trên bản năng. Đây là nguyên nhân làm cho con người thay đổi các hành vi và hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc thay đổi nầy”[30] 
Gia đình chính là một cơ chế được hình thành bởi con người nhờ có yếu tố tinh thần. Với cơ chế nầy, con người xã hội hoá mục tiêu sinh tồn theo bản năng . Chính cơ chế gia đình bảo đảm sự sinh tồn của người trẻ và chuyển giao nền văn hóa lao động từ cha mẹ sang con cái và bảo đảm khả năng tạo ra của cải.[31] Như vậy gia đình là một cơ chế căn bản trong đó có người nam và người nữ, chứ không thể là một cơ chế được hình thành bởi hai người cùng giới tính. Gia đình chỉ có thể được hình thành bởi sự ưng thuận xuất phát từ một tình yêu chân thật giữa ngươì nam và người nữ được gọi là vợ chồng, nhằm vào lợi ích của chính họ cũng như vào việc sinh sản và giáo dục con cái. “Vợ chồng và con cái tạo thành một gia đình. Gia đình tự hình thành và có trước sự công nhận của công quyền. Người ta xem gia đình là nền tảng để từ đó xác định những tương quan khác nhau trong thân tộc”.[32]

1.3. Khám phá giá trị gia đình dưới nhãn quan Kitô giáo
Giáo hội coi gia đình như “trường học đầu tiên để phát triển nhân tính”.[33] và là “tế bào căn bản của đời sống xã hội”.[34] Gia đình là một cộng đoàn nơi đó, “người nam và người nữ được mời gọi tận hiến cho nhau trong tình yêu và trong việc truyền thông sự sống. … nơi đó từ thời thơ ấu, con người được học biết tôn trọng những gía trị luân lý, tôn thờ Thiên Chúa và biết sử dụng tự do. Đời sống gia đình chuẩn bị cho đời sống xã hội”.[35]
Giáo hội luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cơ chế gia đình: Gia đình là nền tảng của xã hội, nơi đó nhiều thế hệ gặp gỡ và giúp nhau nên hoàn thiện và khôn ngoan.[36] Do đó, Giáo hội đã luôn đấu tranh không mệt mỏi để bảo vệ phẩm gía đích thực của gia đình. “Chính quyền phải nhìn nhận, bênh vực và phát huy bản chất đích thực của hôn nhân và gia đình, phải bảo vệ nền luân lý chung và giúp cho

gia đình sung túc, vì đó là những bồn phận mà chính quyền phải coi như một sứ mạng thiêng liêng phải chu toàn”.[37] 
Gia đình không chỉ là tế bào sống động của xã hội, nhưng còn là một giáo hội thu nhỏ hay Giáo hội tại gia.[38] Gia đình thể hiện đời sống Giáo hội ngay trong mái ấm của mình. Nơi đó đời sống phụng vụ được thực hiện qua việc cha mẹ, con cái cùng đọc kinh chung với nhau; thể hiện chức vụ ngôn sứ qua việc “biểu lộ và chứng minh bằng đời sống tính cách bất khả phân ly và sự thánh thiện của dây hôn phối”;[39] cũng như việc truyền đạt đức tin của cha mẹ cho con cái qua gương lành và lời nói;[40] thể hiện chức vụ tư tế qua việc “mạnh mẽ nói lên quyền lợi và nhiệm vụ đã được trao ban cho bậc cha mẹ và những người bảo trợ là giáo dục con cái theo Kitô giáo, phải bảo vệ phẩm giá và quyền tự trị hợp pháp của gia đình”;[41] thể hiện chức vụ vương đế qua việc gia đinh “tỏ ra hiếu khách và cổ võ đức công bằng cùng những việc thiện khác giúp những người đang túng thiếu”.[42] Giáo hội khẳng định: “chính trong gia đình, người ta học biết làm việc với sự nhẫn nại và niềm vui, yêu thương huynh đệ, quảng đại tha thứ luôn, nhất là phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và hy lễ đời sống”.[43] 
Do đó, gia đình Kitô giáo theo quan niệm của Giáo hội có tính cách thánh thiêng, bởi “các đôi vợ chồng Kitô giáo biểu hiện và tham dự mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo hội [44]. Nhờ ân sủng của Bí tích hôn phối, vợ chồng giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái nên thánh”.[45] 
Vì vậy, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa chủ nhật 28.12.2003, đã mời gọi các gia đình Kitô hữu phải làm mọi sự một cách chăm chỉ, để đề cao sự thiện ích của hôn nhân và gia đình. Ngài phê phán mọi luật lệ của chính quyền nhằm phá bỏ những giá trị và ý nghĩa căn bản về gia đình. Ngài nhắc nhở các tín hữu rằng: hôn nhân không dựa trên luật của nhà nước thế trần, nhưng trên một thực tại nhân bản và thiêng liêng. Ngài thiết tha kêu gọi tất cả các Kitô hữu phải ý thức bổn phận luân lý của mình là phải bảo vệ gia đình. Phải can đảm vượt qua mọi áp lực công kích vào đời sống gia đình và mạnh mẽ công bố Tin mừng với niềm vui và sự can đảm.[46]

   1.4. Canh tân đời sống gia đình
Đứng trước những trào lưu thế tục đang ra sức công kích cùng phá đổ những giá trị và ý nghĩa nền tảng của gia đình, Giáo hội, như người mẹ, tha thiết kêu gọi các Kitô hữu hãy canh tân đời sống gia đình của mình để gia đình Kitô giáo thực sự trở thành ánh sáng thật chiếu dọi vào trong thế giới nầy. Chúa luôn kêu mời các gia đình Kitô gíao phải là ngọn đèn được thắp sáng và phải được để trên giá đèn để “soi sáng cho cả nhà” [47]. Canh tân đời sống gia đình là hãy làm cho gia đình của mình trở thành:
- Gia đình là một cộng đoàn yêu thương. Gia đình được khởi sự từ hôn nhân. Có nghĩa là gia đình được đặt trên nền tảng của tình yêu thương, mà khởi điểm chính là tình yêu thương vợ chồng. Tình yêu nầy bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba ngôi. Như Thiên Chúa Ba ngôi hiệp thông trong tình yêu, thì tình yêu hôn nhân cũng chính là việc hiệp thông với nhau giữa người nam và người nữ . Sự hiệp thông đó chính là hiệp thông trong tình yêu.[48] Bởi đó, tình yêu giữa hai vợ chồng phải là một tình yêu chân thật. Sự hiệp thông vợ chồng là một hành vi trao hiến trọn vẹn cho nhau để trở nên một, trở nên qùa tặng cho nhau. Tình yêu vợ chồng không chỉ dừng lại ở hành vi tính dục hay chỉ nhằm thỏa mãn nhục dục. Nếu tình yêu vợ chồng chỉ dừng lại ở xu hướng nhục dục nầy thì tình yêu đó sẽ sớm tàn phai và kéo theo nhiều hậu qủa thảm hại.[49] Hành vi ân ái của vợ chồng là dấu chỉ và là sự bảo đảm của mối hiệp thông tinh thần. “Nhờ khả năng tính dục, người nam và người nữ hiến thân cho nhau qua những hành vi riêng cuả vợ chồng. Tính dục không chỉ là hành vi sinh lý, nhưng liên can đến những điều thâm sâu nhất của nhân vị. Tính dục thực sự xứng đáng với con người, khi nó là thành phần không thể thiếu của tình yêu giữa người nam và người nữ đã cam kết hiến thân cho nhau trọn vẹn suốt đời” [50] Hành vi ân ái giữa hai vợ chồng chỉ thực sự biểu lộ một tình yêu chân chính khi hành vi ấy được thi hành cách nhân linh.[51] Tình yêu vợ chồng đích thực được phản ảnh qua tấm gương tình yêu của Đức Kitô: Ngài đã trao ban sự sống mình cho nhân loại. Không có sự dấn thân đó, không thể có tình yêu đích thực, và cuộc sống vợ chồng chỉ là những biểu lộ của sự giả dối. Đó chính là nguyên nhân của những bất hạnh trong gia đình và đưa tới đổ vỡ.
- Gia đình là cộng đoàn của sự sống. Hành vi yêu thương nơi vợ chồng nẩy sinh một mầm sống mới. Con cái là hoa qủa của tình yêu. Tình yêu vợ chồng và việc sinh sản không là hai yếu tố tách rời được đặt kề bên nhau, nhưng cả hai đều thuộc về yếu tính của hôn nhân. Tình yêu vợ chồng gắn liền với việc sinh sản. “Không có dữ kiện căn bản ấy, thì hôn nhân chỉ còn là một tình bạn giữa hai người, một tình bạn có tình bạn hay không cũng vậy”.[52] “Tự bản chất, hôn nhân và tình yêu lứa đôi qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh hoàn thành hôn nhân”.[53] Gia đình có trách nhiệm lớn lao đối với sự sống. Thiên Chúa đã giao phó cho gia đình, qua tình yêu của vợ chồng, cộng tác với Người vào công việc tạo dựng. Đó là việc sinh sản và giáo dục con cái: “các ngươi hãy gia tăng , sinh sản”[54]. Gia đình là nôi của sự sống, nơi đó sự sống được nẩy nở và phát triển lớn lên. Do đó, trách nhiệm gia đình không chỉ là làm nẩy sinh sự sống, nhưng còn phải bảo vệ sự sống. Sự sống chính là qùa tặng của Thiên Chúa. Gia đình có nhiệm vụ bảo vệ sự sống bằng cách chống lại những cuộc tấn công nhằm hủy diệt sự sống. Bởi vậy, gia đình đóng một vai trò then chốt trong việc xây dựng một nền văn hóa sự sống.
- Gia đình là trường huấn luyện nhân cách. Gia đình cũng chính là nơi hình thành nhân cách con người. “Tình yêu vợ chồng không chỉ triển nở qua việc sinh con, mà còn qua việc giáo dục đời sống luân lý và tâm linh cho chúng nữa. Vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục quan trọng đến nỗi không gì có thể thay thế được. Quyền và bổn phận giáo dục con cái là quyền và bổn phận căn bản, bất khả nhượng”.[55] Bởi vì, bổn phận giáo dục gắn liện với việc truyền thông sự sống con người, do đó không thể thay thế hay chuyển nhượng cho bất kỳ ai.[56] Cha mẹ giáo dục trước tiên là trao ban cho con cái nhân tính của mình.[57] Con cái nhận được nhân cách nơi cha mẹ qua việc cha mẹ “xây dựng một mái ấm gia đình dựa trên tình âu yếm, lòng tha thứ, tôn trọng lẫn nhau, chung thủy và tinh thần phục vụ vô vị lợi”; nhờ đó, “con cái học biết hy sinh, phán đoán lành mạnh, tự chủ là những điều kiện cho tự do đích thực”.[58] Huấn luyện làm người cũng hàm nghĩa huấn luyện sống niềm tin và đáp lại ơn gọi của mỗi người. Nền tảng của việc huấn luyện nầy là sống đời sống đức tin. Cha mẹ là những sứ gỉa đầu tiên của Đức tin, cha mẹ có trách nhiệm dạy cho con cái biết cầu nguyện và khám ra ơn gọi làm con Thiên Chúa.[59] Qua lời nói và đời sống gương mẫu, cha mẹ huấn luyện con cái sống đời Kitô giáo và thực thi công việc tông đồ.[60] .Vì thế, gia đình là đối tượng đầu tiên được kêu gọi loan báo Tin mừng cho con cái và dẫn đưa chúng tới mức trưởng thành nhân bản và Kitô hữu trọn vẹn.
Trong khi huấn luyện nhân cách cho con cái, cha mẹ cũng phải nhắm tới khía cạnh đời sống xã hội. Tất cả mọi người đều thuộc về xã hội và mỗi người phải có trách nhiệm với xã hội. Cho nên “gia đình trở thành một trong những điểm qui chiếu quan trọng nhất, đóng vai trò khuôn mẫu trật tự xã hội và đạo đức, vừa là một cộng đoàn được hình thành nhờ lao động và cũng vừa là trường đào tạo lao động đầu tiên cho tất cả mọi người”.[61] 
Trong một thế giới đang bị tục hóa hôm nay, Giáo hội không ngớt mời gọi con cái của mình hãy can đảm đứng lên chống lại những mưu mô thủ đoạn nhằm làm băng hoại những giá trị tốt đẹp của gia đình.
Củng cố và gìn giữ phẩm giá gia đình là những ưu tư hàng đầu của Giáo Hội, mà các Mục tử đã không ngừng kêu gọi các gia đình Kitô hữu phải “củng cố và thăng tiến gia đình, để bảo đảm cho hôn nhân và gia đình có được sức sống yêu thương tràn đầy và sự thăng tiến về nhân bản cũng như lòng đạo đức”,[62] hầu đáp ứng lại đúng với ân huệ của bậc hôn nhân mà Thiên Chúa ban tặng. Đức Gioan Phaolô II đã thiết tha van nài: phải yêu mến gia đình. “Yêu mến gia đình nghĩa là quí chuộng các giá trị và khả năng của gia đình, luôn tìm cách thăng tiến các giá trị và khả năng ấy. Yêu mến gia đình nghĩa là làm thế nào đảm bảo để có được môi trường thuận lợi hầu phát triển. Gia đình Ki-tô hữu ngày nay thường đang bị cám dỗ là nản lòng hay âu lo trước những khó khăn ngày một lớn; lòng yêu mến ấy còn được biểu lộ qua một hình thức trổi vượt nữa, đó là đem lại cho gia đình Ki-tô hữu những lý do để tự tin vào mình, qua những phong phú mà gia đình có được tự bản chất hay do ân sủng, qua sứ mạng Thiên Chúa đã uỷ thác cho gia đình. "Các gia đình ngày nay phải trấn tỉnh lại ! Phải theo Chúa Ki-tô".[63]
Để có thể thực hiện được điều đó, mỗi người tín hữu khi chọn đời sống gia đình phải tìm lại ý nghĩa đích thực của Bí tích Hôn nhân và phải cử hành Bí tích nầy với một thái độ bừng sáng đức tin.

IV. NHẬN ĐỊNH VÀ GIẢI PHÁP
1. Thực trạng hôn nhân gia đình hiện nay.
Trên thế giới, tình trạng các gia đình bị đổ vỡ chưa bao giờ lên cao như hiện nay. Tại nhiều nước Âu Châu, tỷ lệ các gia đình bị tan vỡ lên đến trên 50%. Tại Á Châu nói chung và  ở Việt Nam nói riêng, tỷ lệ các gia đình đổ vỡ cũng đang ngày càng tăng lên một cách đáng lo ngại. Vì thế, nhiều thanh niên thiếu nữ đã phải băn khoăn rất nhiều trước ngưỡng cửa hôn nhân, lo sợ cho tương lai cuộc đời mình. Để chắc ăn hơn, ở Âu Châu, người ta đành chấp nhận giải pháp “hôn nhân thử”, hay sống chung không hôn nhân, xu hướng này cũng đã manh nha trên quê hương Đất Việt chúng ta.
Những cuộc hôn nhân đổ vỡ cũng như những cuộc sống chung không hôn nhân dẫn đến những bất lợi to lớn, không chỉ cho các cặp vợ chồng bị tan vỡ, mà chủ yếu cho những đứa trẻ được sinh ra từ đó. Trong bao nhiêu thế kỷ trước đây, gia đình là cái nôi phát sinh và dưỡng nuôi sự sống. Nhưng hiện nay, ngay trong môi trường gia đình, những mầm sống mới phát sinh, dù còn là bào thai hay đã sinh thành người, đã bị coi là những tai họa, những mối nguy gây ra khó khăn hay bất lợi cho những người đã từng có mặt trong gia đình. Nhiều gia đình đã trở thành một nơi đề phòng, ngăn ngừa, giết chóc các mầm sống mới phát sinh. Môi trường gia đình ngày nay, đối với nhiều người, không còn là một tổ ấm yêu thương, trong đó mọi thành viên cảm thấy được yên ổn, thoải mái, hạnh phúc, các trẻ em được bảo đảm hưởng một nền giáo dục lành mạnh, giúp chúng phát triển tốt. Trái lại, gia đình nhiều khi trở nên một tù ngục trong đó người ta giam hãm nhau, làm khổ nhau mà không làm sao thoát ra được. Thay vì là thiên đàng, gia đình đã trở thành một hỏa ngục.
Bên cạnh đó, nhiều đôi hôn phối kết hôn theo luật Giáo hội chỉ vì muốn làm đẹp lòng người khác, hoặc để giữ thể diện cho gia đình, hoặc vì tập quán của địa phương.v.v… Có nghĩa là giao ước hôn nhân chưa là lời tỏ bày tình yêu đúng theo bản chất của hôn ước, và vì vậy việc kết hôn không còn là dấu chỉ thánh thiêng nhưng đã trở thành một đồ trang sức cho một cuộc tình không được xây dựng trên một nền tảng đức tin. Từ những thực trạng trên đã dẫn tới các nguyên nhân:

2. Những nguyên nhân gây đổ vỡ gia đình
Tại Hội Nghị các Giám mục Á Châu, các Giám Mục nhận định những nguyên nhân gây nên tình trạng đổ vỡ gia đình như sau:
Vào thời điểm giao thoa này của lịch sử, chúng ta đau lòng chứng kiến sự đổ vỡ của đời sống gia đình tại nhiều nơi trong Châu lục chúng ta, nhất là trong những trung tâm đô thị. Rất nhiều sức mạnh đang chống lại sự thánh thiện và tính bền vững của những giá trị trong đời sống gia đình. Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa hưởng thụ, sự can thiệp của nhà nước, một não trạng ngừa thai cũng như lối sống nặng kỹ thuật, tất cả đều tác động chống lại sự bền vững của hôn nhân và đời sống gia đình, gây nguy hiểm cho sự ổn định trong xã hội và những giá trị xã hội.
Một nguyên nhân chủ yếu nhưng lại rất khó thấy, đó là hiện nay có những “sức mạnh đang chống lại sự thánh thiện và tính bền vững của những giá trị trong đời sống gia đình”. Qua những nguyên nhân đó đã dẫn tới hậu quả nơi các gia đình hiện nay.

3.  Hậu quả đỗ vỡ nơi các gia đình hiện nay
Hậu quả của những cuộc đổ vỡ nơi các gia đình khiến các gia đình càng ngày càng bị đe dọa và lung lay từ nền tảng. Điều đó được thấy rất rõ qua những con số thống kê mà thường ngày ta gặp thấy.
– Số các gia đình bị đổ vỡ, đi đến ly dị ngày càng gia tăng, mà nguyên nhân rất đa dạng (bất hòa, quan điểm hay tính tình bất đồng, hoàn cảnh khó khăn, thiếu hiểu biết và không được chuẩn bị sống đời hôn nhân, không có đời sống nội tâm, hoặc những tật xấu như uống rượu, cờ bạc, thích cằn nhằn, không chung thủy…).
– Số các cặp trai gái sống với nhau không hôn nhân, hoặc tiền hôn nhân ngày càng gia tăng, trong đó tỷ lệ của các em còn đi học, của những người vị thành niên khá cao. Quan hệ tính dục ngoài hôn nhân cũng gia tăng.
– Số người phá thai tại các bệnh viện cũng gia tăng vừa theo con số vừa theo tỷ lệ, mà nguyên nhân là không tự chủ và không biết cách tránh thụ thai (một cách hợp pháp hoặc không hợp pháp). Thống kê cho biết mỗi năm trên thế giới có khoảng 46.000.000 ca nạo phá thai, ở tuổi vị thành niên có 500.000 ca nạo phá thai. Riêng Việt Nam là một trong ba nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Thống kê của Hội kế hoạch hoá gia đình Việt Nam cho biết, có hơn 30% số thanh thiếu niên tìm đến dịch vụ nạo phá thai. Chín tháng đầu năm 2009 Thành phố HCM 76.000 ca phá thai hợp pháp. Số ca sinh (1.138.607 ca sinh, 1.123.620 ca nạo phá thai). Tại bệnh viện Tự Dũ số ca phá thai là 40.000 ca trong đó: Phật Giáo chiếm 62,7%. Công Giáo chiếm 16,8%. Qua những con số thống kế đó cũng là thách đố mà Giáo hội đang còn phải đối mặt.
Trên đây, đã kể ra một số những thách đ điển hình đang phá hoại gia đình. Tất cả những điều này đều tác động chống lại sự bền vững của hôn nhân và đời sống gia đình, gây nguy hiểm cho sự ổn định trong xã hội và những giá trị xã hội. Đứng trước tình hình đó, chúng ta phải làm gì?

4. Một vài giải pháp cần thực hiện
Từ những trình bày và nhận định trên, cùng với hoàn cảnh thực tế, xin dựa theo Tài Liệu Hôn Nhân Gia Đình của Nhóm mục vụ hôn nhân gia đình do Nhà Thờ Chính Toà Giáo Phận TPHCM, xin được nêu ra một số giải pháp như sau:
* Người tu sĩ: Đứng trước nghành công nghệ thông tin như hiện nay, cũng như báo chí, truyền thanh, truyền hình là những công cụ hết sức thuận lợi và hữu hiệu để chúng ta rao truyền chân lý. Vì thế, Giáo Hội cần có những đầu tư, cũng như giới tu sĩ, linh mục cần tham gia vào các lãnh vực mang tính thời cuộc này.
* Người giáo dân: Cần được các người hữu trách, các linh mục, tu sĩ giúp đỡ để thay đổi não trạng về việc học giáo lý: Học giáo lý để hiểu và sống Đạo đầy đủ hơn, chứ không phải là chỉ để chịu các Bí tích, nhất là bí tích Hôn Phối (coi việc học lớp chuẩn bị hôn nhân như một thủ tục hành chánh không có không được).
* Các Giáo phận, các giáo xứ cũng như các tổ chức khác cần có một ủy ban xem và soạn lại để hoàn thiện chương trình lớp giáo lý chuẩn bị hôn nhân về mặt nội dung, thời gian, phương pháp giảng  dạy và nhân sự phục vụ các lớp này.
* Riêng từng các giáo xứ, các vị hữu trách, đặc biệt các linh mục, tu sĩ có thể thực hiện một số công việc cần thiết như:
- Tổ chức các lớp giáo lý “sống đời hôn nhân” cho các cặp vợ chồng.
- Tổ chức các sinh hoạt chuyên đề, các buổi trao đổi, cầu nguyện, tĩnh tâm riêng cho các cặp vợ chồng mừng 5, 10, 15, 20 năm đời sống gia đình.
- Tạo môi trường thuận lợi cho các nhóm gia đình sống liên kết với nhau như các cộng đoàn Giáo hội cơ bản và khuyến khích giáo dân gia nhập các phong trào, các tổ chức gia đình có sẵn trong giáo phận.

V. KẾT LUẬN:
Bước vào đời sống hôn nhân là lúc cả hai cùng nhìn về một hướng, tức là có một cái hướng chung. Hướng chung ấy cần mọi người cùng cộng sức để đạt tới chứ không chỉ của riêng ai. Những cái sở thích riêng tư, cá tính được hoà điệu trong nhịp sống chung của cả hai hoặc cả nhà. Lúc này, ngoài tình yêu còn có bổn phận và trách nhiệm đối với nhau. Đời sống hôn nhân là đời sống của sự chung chia những thăng trầm của đời sống. Càng khó khăn người ta càng thấy thương nhau hơn và cảm thấy hạnh phúc khi được lo lắng và quan tâm tới nhau. Dù có những mệt nhọc khó khăn nhưng hy sinh vì người mình thương mến là một niềm vui. Hôn nhân là đặt niềm vui hạnh phúc của mình vào cái hạnh phúc chung, ở đó người ta tìm thấy niềm vui và hạnh phúc của mình cùng với niềm vui và hạnh phúc của người khác. Từ đó những khó khăn sẽ không đáng ngại, vì “thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”. Bên cạnh đó đời sống hôn nhân còn là một bí tích, qua đó Thiên Chúa không ngừng đồng hành và thông ban những ơn ích cần thiết để họ tiếp tục hoạ lại tình yêu như Ngài đã yêu thương Giáo hội. 
Cuối cùng, với tư cách và trách nhiệm của một người Tu sĩ, đây là lúc bản thân phải bắt tay vào cuộc, không những chỉ bằng những lời rao giảng, những chương trình mục vụ thiết thực như đã nêu trên, mà còn phải bằng chính cuộc sống mỗi ngày trong đời tu. Vì như lời của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô VI; “Thế giới ngày nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”. Không nhưng riêng bản thân mà với mỗi tu sĩ, mỗi linh mục ngoài gia đình máu mủ, chúng ta đều có gia đình thiêng liêng, thiết thực, đó là gia đình Hội Dòng, gia đình Cộng đoàn, gia đình Giáo phận. Chúng ta hãy sống tốt mối tương quan gia đình này và không ngừng vun đắp để gia đình thiêng liêng đó luôn là tấm gương sáng soi chung cho mọi gia đình trần thế, đó cũng là ước nguyện và thao thức của bản thân khi viết về đề tài này, chúc cho các đôi vợ chồng trẻ cũng như những ai đang làm công tác mục vụ thành công trong cuộc sống và hạnh phúc.
                       


[1] GiáoLý Hội Thánh Công Giáo, ban hành ngày 11. 10. 1992, s 1055.
[2] Lm. Đa Minh Nguyễn Đức Thông, Đường tình ta đi, năm 2007, tr. 282
[3] x. St 1,26 – 28.
[4] x. St 2, 18 – 25.
[5] P.Claudel, Le soulier de satin, a. III. sc.8 (éd. La Pléiade, II, Paris 1956, tr. 804).
[6] x. Đnl 25, 5 -10.
[7] x. St 16.
[8] x. Cn 31,10.
[9] x. Gr 2,2.
[10] x. Is 72,5.
[11] x. Is 2,4 tt.
[12] x. Os 2,16;Is 54,8.
[13] x. Mk 2,14 – 15.
[14] Lm Đa Minh Nguyễn Đức Thông, Đường tình ta đi, Năm 2007, tr. 303.
[15] Lm. Đa Minh Nguyễn Đức Thông, Đường tình ta đi, Năm 2007, tr. 303.
[16] Lm. Đa Minh Nguyễn Đức Thông, Đường tình ta đi, Năm 2007, tr. 304.
[17] Gaudium et spes, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, 7/12/1965, số 48.
[18] Phụ Nữ Chủ Nhật, số 51, ngày 28- 12- 2003, tr 20.
[19] Gaudium et spes, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, 7/12/1965, số 52.
[20] Gaudium et spes, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, 7/12/1965, số 52.
[21] Gaudium et spes, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, 7/12/1965, số 51.
[22] Thuyết Ưu Sinh (eugenics): Học thuyết cho rằng chủng tộc người có thể (hoặc phải) cải tiến bằng cách nhân giống chọn lọc có kiểm soát giữa những người có tính trạng mong muốn như sức khoẻ, vóc dáng, trí tuệ. Đây là vấn đề đang tranh cãi, một phần do những khó khăn trong phán đoán vai trò tương ứng của nhân tố môi trường và di truyền. Nhiều người cho rằng đó là vấn đề đạo đức, bao gồm cả tự do của con người và mối nguy hiểm của việc sử dụng thuyết ưu sinh vào mục đích chính trị tàn bạo. (Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam: http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn/)
[23] Bản đúc kết “Không Có Tình Yêu Hỗ Tương Của Gia Đình, Xã Hội Chúng Ta Sẽ Diệt Vong” của Hội nghị Công Giáo và Chính Thống Giáo về gia đình đã được tổ chức tại Trent, Italia từ ngày 10 tới ngày 14 tháng 12/2008
[24] Thông điệp Sự sống con người, số 9.
[25] Tông huấn “Familiaria Consortio”, số 13.
[26] José María Castillo, Thần học về Bí Tích Hôn Phối – Một quá trình lịch sử phức tạp, do Felipe Gómez Ngô Minh chuyển Việt ngữ, in trong Tuyển Tập Thần Học số 17, http://www.htth.org/so17/thhonphoi.html.
[27] x. 1Cr. 7, 1.
[28] Đức Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae, 25-7-1968, số 9.
[29] Gaudium et spes, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, 7/12/1965, số 49.
[30] Rosa Linda G. Valenzona, Asian and World Demographics Towards a Culture of Life, in: The Christian Family – Good News for the Third Millennium, Manila 2003, tr 67.
[31] Rosa Linda, G. Valenzona, Asian and World Demographics Towards a Culture of Life, in: The Christian Family – Good News for the Third Millennium, Manila 2003 tr 69 – 70.
[32] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, năm 1992, số 2202.
[33] Gaudium et spes, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, 7/12/1965, số 52
[34] Giáo lý Hội thánh Công giáo, năm 1992, số 2207.
[35] Giáo lý Hội thánh Công giáo, năm 1992, số 2207.
[36] Gaudium et spes, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, 7/12/1965, số 52.
[37] Gaudium et spes, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, 7/12/1965, số 52.
[38] Lumen gentium, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 11.
[39] Apostolicam actuositatem, số 11.
[40] Lumen gentium, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 11.
[41] Lumen gentium, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 11.
[42] Apostolicam actuositatem, số 11.
[43] Giáo lý Hội thánh Công giáo, năm 1992, số 1657.
[44] x. Eph 5, 32.
[45] Lumen gentium, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 11.
[46] Gioan Phaolô II, Can đảm bảo vệ phẩm gía gia đình, website: www. vatican.va – angelus, ngày 28.12.2003.
[47] x. Mt 5, 15.
[48] Gioan Phaolô II, Familiaris consortio, số 19.
[49] Gaudium et spes, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, 7/12/1965, số 49.
[50] Gioan Phaolô II, Familiaris consortio, số 11
[51] Gaudium et spes, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, 7/12/1965, số 49.
[52] Bernard Haering, Der Christ und Die Ehe – Bản tiếng việt của Hồ Đỉnh, Hôn nhân trong ánh sáng công đồng, Saigon 1967, tr 70.
[53] Gaudium et spes, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, 7/12/1965, số 48
[54] X. St 1, 28. 
[55] Giáo lý Hội thánh Công giáo, năm 1992, số 2221.
[56] X. Gioan Phaolô II, Familiaris consortio, số 36.
[57] X. Gioan Phaolô II, Tâm thơ gởi cho cho các gia đình, ban hành tai Rôma ngày 2.2 1994, số 16.
[58] Giáo lý Hội thánh Công giáo, năm 1992, số 2223.
[59] X. Lumengentium, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số  11.
[60] Apostolicam actuositatem, số 11.
[61] Laborum exercens, số 10.
[62] Thư Mục Vụ 2008 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 20.
[63] Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, số 86.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét